'Sóng gió' bất động sản làm triển vọng kinh tế Trung Quốc bấp bênh hơn
Goldman Sachs nhận định mối lo ngại về một sự “lây lan khủng hoảng” trên thị trường bất động sản đang gia tăng và ảnh hưởng đến nền tài chính của Trung Quốc.
Sau các dấu hiệu cho thấy những vấn đề trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc ngày một "nóng" lên, các ngân hàng lớn của nước ngoài đang dần hạ dự báo về triển vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Khi hạ triển vọng đối với hiệu suất hoạt động của các cổ phiếu Trung Quốc vào ngày 21/8, Goldman Sachs nhận định mối lo ngại về một sự “lây lan khủng hoảng” trên thị trường bất động sản đang gia tăng và ảnh hưởng đến nền tài chính của nước này.
Goldman Sachs đồng thời chỉ ra việc nhà phát triển bất động sản Country Garden đã bỏ lỡ thời hạn thanh toán hai loại trái phiếu bằng đồng USD, trong khi tập đoàn Zhongzhi - một trong những công ty tín thác đầu tư lớn nhất của Trung Quốc - cũng xảy ra tình trạng tương tự đối với hàng chục sản phẩm tài chính của mình.
[Trung Quốc thông báo hạ lãi suất cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế]
Hiện Goldman Sachs kỳ vọng thu nhập trên mỗi cổ phiếu của nhóm chỉ số chứng khoán MSCI China sẽ tăng 11% trong năm nay, so với mức dự báo trước đó là 14%.
Những cái tên chủ chốt trong nhóm này bao gồm các công ty công nghệ như Tencent và Alibaba, cũng như các tổ chức tài chính như Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và tập đoàn bảo hiểm Ping An Insurance.
Cùng ngày, UBS đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc xuống 4,8% cho năm 2023 và 4,2% cho năm 2024, từ mức 5,2% và 5% tương ứng.
Ông Wang Tao, nhà kinh tế trưởng của UBS về thị trường Trung Quốc, cho hay phần lớn lý do cho việc hạ dự báo là ngân hàng này đánh giá lại những diễn biến của lĩnh vực bất động sản và tác động tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
UBS cũng dự báo doanh số bán bất động sản mới tại Trung Quốc sẽ giảm 25% trong năm nay, so với dự báo trước đó là “mức giảm trung bình chỉ một chữ số."
Các ngân hàng lớn gồm Nomura, Morgan Stanley và Barclays trước đó cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sau loạt số liệu kinh tế vĩ mô yếu kém trong tháng 7/2023.
Những “ông lớn” này đa phần đưa ra lý do lo ngại về quá trình phục hồi chậm của thị trường bất động sản.
Đợt hạ triển vọng mới nhất của các ngân hàng lớn đối với Trung Quốc được đưa ra sau một loạt tin xấu liên quan đến các nhà phát triển bất động sản niêm yết ở Hong Kong (Trung Quốc) vào cuối tuần trước.
Mới nhất, công ty phát triển bất động sản quy mô trung bình Yuzhou Group Holdings cho biết họ dự kiến sẽ lỗ ròng từ 6-7 tỷ Nhân dân tệ (833-972 triệu USD) trong nửa đầu năm, so với mức lãi ròng 59 triệu Nhân dân tệ của cùng kỳ năm trước.
Yuzhou trước đó cho biết doanh số bán hàng theo hợp đồng của họ trong bảy tháng của năm 2023 đã giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 12,97 tỷ Nhân dân tệ. Riêng tháng Bảy, doanh số bán hàng theo hợp đồng đã giảm 56% theo năm.
Công ty cũng chịu lỗ đối với trái phiếu phát hành tại nước ngoài do đồng Nhân dân tệ yếu hơn. Tổng khoản nợ bằng đồng USD có lãi vay của Yuzhou trị giá 6,8 tỷ USD (không bao gồm các khoản chịu lãi cộng dồn) tính đến cuối năm ngoái.
Chủ tịch Yuzhou, bà Kwok Ying-lan, cho biết công ty đang tích cực tham gia đàm phán với các chủ nợ để hoàn thiện kế hoạch tái cơ cấu nợ "ngay khi có thể."
Sino-Ocean Group Holding - một nhà phát triển bất động sản khác cũng được niêm yết tại Hong Kong - hôm 18/8 đã công bố khoản lỗ 18,3 tỷ Nhân dân tệ trong nửa đầu năm. Kết quả này tồi tệ hơn rất nhiều so với khoản lỗ ròng 1,08 tỷ Nhân dân tệ của cùng kỳ một năm trước đó.
Vào tối cùng ngày, Sunshine 100 China Holdings cho biết họ đã nhận được lệnh bàn giao quyền sử dụng đất ở thành phố Quế Lâm cho China Huarong Asset Management, một trong bốn công ty quản lý nợ xấu lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước.
Sunshine không trả được khoản vay trị giá 495 triệu Nhân dân tệ vào mùa Hè năm ngoái, bao gồm cả tiền lãi và chi phí kiện tụng.
Công ty đã hai lần nỗ lực bán đấu giá công khai quyền sử dụng khu đất tại Quế Lâm, vốn được dành để phát triển các dự án thương mại và nhà ở.
Sau khi thất bại, Tòa án đã yêu cầu Huarong mua lại Sunshine với giá 328 triệu NDT, thấp hơn 44% so với định giá trước đó. Tuy nhiên, Sunshine vẫn nợ Huarong 175 triệu NDT sau thương vụ này.
Trong một động thái khác, công ty dịch vụ tài chính Haitong International Securities đã đệ đơn kiện cổ đông nắm quyền kiểm soát của Sunshine, Joywise Holdings, lên tòa án Hong Kong với cáo buộc công ty này chưa hoàn thành khoản thanh toán 386,88 triệu HKD (49,5 triệu USD).
Joywise sở hữu khoảng 2/3 cổ phần của Sunshine. Vụ án dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 18/10 tới./.