Sóc Trăng: Người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng ngay giữa mùa mưa
Theo cử tri tỉnh Sóc Trăng, việc thiếu nước sinh hoạt hoặc nước không đều, không đảm bảo chất lượng không phải mới được đưa ra gần đây mà đã được cử tri phản ánh vài năm qua.
Chuyện thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn ở miền Tây vốn là bình thường nhưng hiện nay, ngay cả giữa mùa mưa, nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân vẫn thiếu trầm trọng.
Tại Kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cuối tuần qua, các đại biểu quan tâm và yêu cầu đơn vị cấp nước, các cấp quản lý cần có biện pháp khắc phục khẩn trương, không chỉ cung cấp đủ nước mà chất lượng nước cũng phải nâng lên, đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân sử dụng.
Theo cử tri, việc thiếu nước sinh hoạt hoặc nước không đều, không đảm bảo chất lượng không phải mới được đưa ra gần đây mà đã được cử tri Sóc Trăng phản ánh vài năm qua.
Hội đồng Nhân dân tỉnh đã đưa ra kiến nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tổ chức một số cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ, đảm bảo có đầy đủ nguồn nước sạch phục vụ nhân dân nhưng Công ty Cấp nước Sóc Trăng, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn tỉnh vẫn chưa khắc phục được.
Đánh giá về tình hình khan hiếm nguồn nước sạch phục vụ nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Văn Lâu cho rằng tình trạng này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng; nguồn nước ngầm khan hiếm, nhiễm mặn, chưa đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, việc Công ty Cấp nước đã cổ phần hóa cũng gây khó khăn trong khâu chỉ đạo trực tiếp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có trên 10 văn bản chỉ đạo kiểm tra chất lượng nước, xử phạt Công ty Cấp nước; đồng thời luôn xem việc cung ứng nước sinh hoạt là vấn đề rất quan trọng; liên quan trực tiếp, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu giám đốc các sở, ngành liên quan tập trung ưu tiên, sớm khắc phục những hạn chế để đảm bảo tốt nhất nước sinh hoạt cho nhân dân. Về các giải pháp trước mắt, từ nay đến năm 2025, tỉnh yêu cầu các cấp, ngành xem xét, tạo điều kiện cho Công ty Cấp nước Sóc Trăng nâng công suất các nhà máy cấp nước; thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt; xử phạt theo đúng quy định.
Tỉnh chỉ đạo việc kết nối, chia sẻ giữa Trung tâm Nước sạch (của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Công ty Cấp nước để khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số khu vực.
Bên cạnh đó, tỉnh cần thực hiện các thủ tục để kêu gọi đầu tư các nhà máy cấp nước mới; lập Đề án cấp nước đô thị, làm cơ sở triển khai đầu tư các nhà máy nước cho giai đoạn tiếp theo.
Về lâu dài, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu quy hoạch, điều chỉnh các nhà máy nước sử dụng nước mặt; nghiên cứu quy hoạch một số hồ chứa nước lớn làm nguồn cung cấp nước mặt xử lý phục vụ nước sinh hoạt cho người dân…
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Văn Lâu, Sóc Trăng nằm trong vùng có điều kiện khó khăn về nguồn nước. Thời gian tới, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khô hạn, các hình thái thời tiết khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan hơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ nỗ lực hết sức, đặt vấn đề đảm bảo nước sinh hoạt là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, với mục tiêu chủ động và đảm bảo nước sinh hoạt liên tục, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Đồng thời, tỉnh kêu gọi người dân chung tay sử dụng tiết kiệm nguồn nước với tinh thần “Mỗi giọt nước tiết kiệm-Là một giọt nước cho tương lai."
Theo đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng (Soctrangwaco), đơn vị đang quản lý và khai thác hệ thống cấp nước đô thị gồm 24 nhà máy/trạm khai thác xử lý nước, với tổng công suất được cấp phép khai thác là 97.770m3/ngày đêm. Trong số đó, có 7 nhà máy tại thành phố Sóc Trăng; 3 nhà máy tại thị xã; 14 nhà máy tại các xã, thị trấn.
Hiện, công suất cấp nước vào mạng khoảng 70.000m3/ngày đêm, nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm (89%) và nước mặt (11%), tổng số giếng khoan đang quản lý, khai thác là 64 giếng, cung cấp nước sạch cho hơn 99.990 hộ khách hàng.
Từ đầu năm 2024, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng sâu vào nội địa nên nước mặt cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến lưu lượng nước khai thác giảm đáng kể, từ đó các nhà máy khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố Sóc Trăng phải tăng cường hoạt động các giếng tầng nông (có độ mặn tương đối cao) vượt ngưỡng cho phép rất nhiều.
Nguồn nước cung cấp cho sản xuất nước sạch tại các nhà máy nước trực thuộc bị thiếu hụt nghiêm trọng trong khi nguồn nước mặt bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Ngoài ra, công nghệ của nhà máy nước Sóc Trăng hiện đã lạc hậu, gây khó khăn trong quá trình xử lý, cung cấp nước đến khách hàng… Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước sinh hoạt không được cung cấp đầy đủ cho người dân.
Không chỉ cấp nước đô thị thiếu và yếu, ở vùng nông thôn, nước sinh hoạt cũng đang là vấn đề đáng ngại.
Giải trình những ý kiến cử tri về thực trạng nguồn nước sinh hoạt thiếu, chưa đảm bảo chất lượng ở nông thôn, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, cho biết thêm hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn đang quản lý, vận hành 141 công trình cấp nước tập trung nông thôn với tổng lưu lượng được cấp phép là 114.708 m3/ngày đêm, tổng chiều dài mạng tuyến ống cấp nước đang quản lý hơn 3.540km, phục vụ cấp nước cho hơn 144.000 hộ dân nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã.
Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 63%, cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung cả nước.
Tình hình nắng nóng gay gắt, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài thời gian qua làm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lưu lượng khai thác tại một số trạm cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát, có tổng cộng 39 trạm cấp nước tại các huyện Mỹ Tú, Trần Đề, Kế Sách, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm xảy ra tình trạng thiếu hụt lưu lượng khai thác.
Để ứng phó với tình huống trên, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục xin phép tăng lưu lượng khai thác cho 39 trạm cấp nước nêu trên (trong đó xin phép điều chỉnh lưu lượng khai thác 13 trạm; khoan thêm giếng tại 13 trạm; xin phép khai thác 13 trạm cấp nước đã được cấp phép khoan thăm dò nước dưới đất).
Tuy nhiên, thủ tục xin phép tăng lưu lượng khai thác theo quy định ngày càng chặt chẽ, cần thực hiện các bước gồm: Lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và trình phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM; lập hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường, trong đó phải hoàn thành các thủ tục về đất đai (phương án sắp xếp xử lý nhà đất công); lập hồ sơ xin cấp phép khai thác.
Để hoàn thành các thủ tục trên theo quy định mất rất nhiều thời gian nên công tác phục vụ cấp nước vừa qua từng lúc, từng nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Về vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét hỗ trợ thêm trong các thủ tục...
Để khắc phục khó khăn về nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người dân, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đã có văn bản đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh việc quy hoạch vị trí, diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt hiện đại, công suất 200.000 m3/ngày đêm.
Địa điểm được đề xuất là khu đất rừng thuộc Phân trường Phú Lợi (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), có tổng diện tích 110ha. Đây là vị trí có nguồn nước xa khu vực xâm nhập mặn, địa điểm nhà máy chỉ cách thành phố Sóc Trăng khoảng 20km, thuận tiện cho việc xây dựng hệ thống đường ống nước và cũng khá gần nguồn nước mặt sông Hậu…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, doanh nghiệp cấp nước đáng lẽ phải có một kế hoạch dài hơi," chuẩn bị từ những năm trước, bởi nước có vai trò rất quan trọng đối với đời sống người dân, không thể chờ đến khi thiếu nước mới đề xuất.
Trong buổi làm việc với các đơn vị nhằm tháo gỡ nguồn nước khó khăn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho rằng doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn nước sạch trong những năm tới.
Trước mắt, cần sớm khắc phục tình trạng nước thiếu, nước yếu; khai thác triệt để nguồn nước mặt có thể khai thác. Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng đối với việc cấp nước hằng ngày, hằng tuần đến người dân để chủ động trong sử dụng nước; tăng cường công suất khai thác nước ở một số kênh khai thác được; có kế hoạch phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Sóc Trăng để cung cấp nước phục vụ người dân./.