Sóc Trăng: Giảm nghèo hiệu quả từ công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Với nhiều địa phương ở Sóc Trăng, mô hình đào tạo nghề ngắn hạn đã giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn, góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Người dân tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) gia công sản phẩm để tăng thu nhập. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Tỉnh Sóc Trăng có trên 1,2 triệu dân, trong đó có hơn 35% dân số là người dân tộc thiểu số (dân tộc Khmer chiếm trên 30%). Cuộc sống của người dân ở nhiều nơi còn khó khăn, nhất là khu vực nông thôn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn, xem đây là một trong giải pháp giảm nghèo hiệu quả ở địa phương.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm Nguyễn Văn Vũ, mô hình đào tạo nghề ngắn hạn (3 tháng) đã giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Vũ cho biết năm 2023, Trung tâm chủ động đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo tiến độ và gắn với giải quyết việc làm mang lại hiệu quả cao.

Trung tâm đã tổ chức đào tạo 32 lớp đan đát, thủ công mỹ nghệ, nuôi trồng thủy sản, may công nghiệp... thu hút 857 học viên tham gia, đạt 101,3% so với kế hoạch. Trên 92% lao động có việc làm sau khi hoàn thành khóa học.

Theo ông Nguyễn Phước Hữu (người dân xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm), gia đình ông không có đất sản xuất nên trước kia luôn thuộc diện hộ nghèo. Từ khi được tham gia lớp đào tạo nghề theo mô hình đan đát, thủ công mỹ nghệ, đời sống đã khá hơn trước và gia đình thoát nghèo cuối năm 2022.

Giới thiệu sản phẩm của tổ hợp tác đan đát xã Mỹ Quới thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Chị Huỳnh Thị Miễn, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Quới) cho biết ấp có trên 250 hộ dân, trong đó có 90% hộ làm nghề đan thủ công mỹ nghệ (đan lục bình), mỗi hộ có từ 1 đến 3 nhân khẩu tham gia, với thu nhập trung bình một người từ 80.000-150.000 đồng/ngày.

Nghề thủ công mỹ nghệ này đã gắn bó với nhân dân nơi đây hơn 5 năm qua. Những năm COVID-19 diễn ra phức tạp, do nhận hàng về nhà đan nên người dân nơi đây vẫn có thể làm nghề, đời sống khá ổn định.

Người dân trong ấp phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ tham gia mô hình này vì đời sống khá giả hơn trước.

Ông Huỳnh Văn Lơ, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm cho hay địa phương đã thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo, trong đó đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Năm 2023, toàn thị xã giải quyết việc làm cho 3.810 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,02%, trong đó 57,22% đã được cấp bằng, chứng chỉ. Đến hết năm, có 413 hộ thoát nghèo, 488 hộ thoát cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% (giảm từ 3,4% còn 1,4%); hộ Khmer nghèo giảm 4,58%.

Tại Mỹ Xuyên, nơi có trên 33% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên mở gần 20 lớp đan gia công đồ gia dụng cho hội viên mang lại hiệu quả thiết thực.

Bà Trần Hồng Ni, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên cho biết Huyện Hội hiện có trên 28.000 hội viên (trong đó, gần 50% là hội viên Khmer) đang sinh hoạt tại 11 cơ sở Hội.

Năm 2023, Hội đã tập trung củng cố tổ chức và tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế gia đình.

Huyện Hội đã xây dựng 11 mô hình đan đát (gia công đồ gia dụng) ở các xã, thị trấn với trên 750 hội viên phụ nữ tham gia với thu nhập bình quân từ 2,4-4 triệu đồng/người/ tháng.

Phấn đấu đào tạo 18.000 lao động

Ông Kim Thái Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Năm cho biết năm 2023, thị xã từng bước vượt qua những khó khăn và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Năm 2024, thị xã đặt mục tiêu, giải quyết việc làm mới cho 3.000 lao động, đào tạo nghề cho 850 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn thị xã đạt 66,6%...

Để đạt mục tiêu trên, thị xã tiếp tục tăng cường đào tạo nghề thông qua điều tra, rà soát, thống kê nhu cầu học nghề, sử dụng lao động có tay nghề của doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh; triển khai đào tạo theo nhu cầu của người sử dụng lao động, định hướng phát triển các ngành nghề trong tương lai.

Lớp học đan đát tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo nghề công lập, tư nhân và đẩy mạnh thu hút các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ công nghiệp tham gia cùng với sơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nghề cho người lao động.

Cùng đó, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền và tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm với các công ty, doanh nghiệp có uy tín trong việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng Võ Thanh Quang cho biết, Sở đặt mục tiêu, năm 2024, giải quyết việc làm mới khoảng 28.000-30.000 lao động, đào tạo nghề cho khoảng 16.000-18.000 lao động và giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) từ 1-2%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer từ 2-3%.

Hướng tới mục tiêu đó, Sở đã xây dựng nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả chất lượng nguồn lao động, đào tạo nghề ở địa phương, trong đó triển khai kế hoạch thu thập, cập nhật thông tin về nguồn lao động trên địa bàn tỉnh.

Sở tiếp tục tăng cường truyền thông, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò ý nghĩa, các chính sách về giáo dục nghề nghiệp cho người lao động nhằm thu hút thêm nhiều nguồn nhân lực; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng để tăng số lượng học sinh sau tốt nghiệp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường việc gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho lao động sau khi hoàn thành các lớp đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, Sở tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, góp phần cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, Sóc Trăng đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo 17.540 lao động, giải quyết việc làm 29.412 lao động, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 344 người. Đến hết năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 2%, trong đó hộ nghèo Khmer giảm 3,01%./.