Sở Y tế Hà Nội: Ghi nhận 10 bệnh viện đạt mức đánh giá chất lượng cao
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn... nằm trong số các bệnh viện đạt chất lượng cao theo Bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.
Theo Sở Y tế Hà Nội, nhằm ghi nhận một cách toàn diện, khách quan, chính xác hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện, Sở Y tế đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, đánh giá theo Bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.
Sở tổ chức khảo sát sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế; kiểm tra công tác cấp cứu, hồi sức tích cực người bệnh; áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nâng cao chất lượng và phản hồi một số văn bản phục vụ quản lý nhà nước.
Năm 2023, Sở đã kiểm tra, đánh giá, phúc tra 80/85 bệnh viện, gồm 42/42 bệnh viện công lập; 37/42 bệnh viện ngoài công lập và 1/1 bệnh viện bộ, ngành.
Kết quả ghi nhận 10 bệnh viện có mức đánh giá chất lượng cao gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, Bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh.
Bên cạnh đó, có 5 bệnh viện ở mức đánh giá chất lượng thấp.
Tất cả các nội dung cải tiến chất lượng bệnh viện đều cao hơn trước. Tỷ lệ tiêu chí mức 4, 5 (chất lượng tốt và rất tốt) của các bệnh viện tăng so với năm 2022. Đặc biệt, hoạt động hướng đến người bệnh và chỉ số hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế cải thiện qua từng năm.
Nhiều đơn vị đã áp dụng những sáng kiến, cải tiến quy trình, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, triển khai hoạt động chuyên môn; thực hiện khảo sát thường xuyên với tinh thần thực sự cầu thị, trân trọng các góp ý như: khảo sát bằng phiếu theo hướng dẫn của Bộ Y tế, gọi điện qua điện thoại, thiết lập mã QR, lập kiốt khảo sát, hộp thư góp ý, họp hội đồng người bệnh...
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: cơ sở vật chất của một số bệnh viện xuống cấp, nhất là khu khám bệnh của các bệnh viện tuyến huyện. Trình độ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn của một số cán bộ y tế còn hạn chế; tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh có lúc, có nơi còn biểu hiện chưa tốt.
Ngoài ra, các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính còn gặp khó khăn để đảm bảo nguồn thu và đời sống nhân viên y tế ảnh hưởng đáng kể đến công tác khám, chữa bệnh.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, quản lý chất lượng và an toàn người bệnh đóng vai trò quan trọng trong hệ thống khám, chữa bệnh của ngành y tế hiện nay. Đây là những yếu tố then chốt giúp đảm bảo các dịch vụ y tế được cung cấp một cách hiệu quả, chất lượng và liên tục, đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chăm sóc sức khỏe của người dân Thủ đô.
Quản lý chất lượng giúp giảm thiểu rủi ro, ngăn ngừa sai sót y khoa, nâng cao kết quả điều trị, thúc đẩy văn hóa an toàn người bệnh và hỗ trợ phát triển chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế.
Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã nâng cao năng lực chuyên môn cho toàn hệ thống thông qua quản lý chất lượng; mở các khóa đào tạo về quản lý bệnh viện, nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo và chuyên trách; hướng dẫn xây dựng và chuẩn hóa các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng để các đơn vị áp dụng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Cùng với đó, Sở thực hiện giám sát và đánh giá thường xuyên mức độ cải tiến chất lượng cho các bệnh viện, giúp bệnh viện tìm ra những lỗ hổng, khoảng trống, có thêm cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Hà Nội tiếp tục phát triển những mô hình, sáng kiến hay, có hiệu quả, tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người dân./.