Số lượng lao động và doanh nghiệp thành lập mới ở Hà Nội giảm mạnh
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh, dẫn tới lĩnh vực lao động việc làm cũng hết sức khó khăn, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực công nghiệp.
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, trong tháng tư, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 2.514 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023; vốn đăng ký đạt 25,600 tỷ đồng, tăng 24%; 758 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14%; 1.878 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 16%; 269 doanh nghiệp giải thể, giảm 13%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 9,400 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 97,600 tỷ đồng, giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 9% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng đó là 4,500 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 10%; hơn 14,200 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 24%; 1,400 doanh nghiệp giải thể, tăng 12%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh, dẫn tới lĩnh vực lao động việc làm cũng hết sức khó khăn, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực công nghiệp.
Theo ông Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng tư/2024 tăng 0,4% so với cuối tháng ba nhưng lại giảm 0,8% so với cùng thời điểm năm 2023.
Tính chung 4 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài Nhà nước cùng giảm 2,5%; khu vực Nhà nước tăng 1,6%.
Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5% (trong đó sản xuất máy móc, thiết bị giảm 24%; dệt giảm 10,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 9,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 5,6%; sản xuất trang phục giảm 4,8%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,3%; ngành khai khoáng tăng 45,6%.
Mặc dù vậy, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, cộng thêm nhiều giải pháp tích cực của thành phố Hà Nội đã giúp cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng tư ước tăng 4,5% so với tháng ba/2024 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9% và tăng 5,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,9% và tăng 7,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 1,5% và tăng 9,7%; ngành khai khoáng tăng 19,6% và giảm 16,7%.
Ước tính 4 tháng, chỉ số IIP tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; khai khoáng giảm 12,2%.
Đáng lưu ý, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,9%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,3%; sản xuất trang phục tăng 6,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 11,3%.
Bên cạnh đó, một số ngành giảm so với cùng kỳ là chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 4,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 3,6%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 3,2%; sản xuất đồ uống giảm 0,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc giảm 12,8%.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đang tích cực thực hiện các giải pháp để thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Tháng tư, thành phố Hà Nội có 20 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 103,9 triệu USD; 14 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với 57,4 triệu USD; có 27 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với số vốn đạt 15,5 triệu USD.
Tính chung 4 tháng, toàn thành phố thu hút 1.132 triệu USD vốn FDI; trong đó, đăng ký cấp mới 73 dự án với số vốn đạt 1.008 triệu USD; 47 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 79 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 65 lượt, đạt 45 triệu USD.
Những tháng đầu năm 2024 song hành với các giải pháp về tín dụng để giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và tới đây Ủy ban Nhân dân sẽ gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong các làng nghề.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng sẽ gặp mặt, đối thoại với công nhân trong các khu công nghiệp để lắng nghe những tâm tư và giải đáp, tháo gỡ vướng mắc giúp người lao động ổn định công ăn việc làm./.