Số liệu PCE "thao túng" các thị trường hàng hóa phiên 1/3
Khoảng 13 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.047,29 USD/ounce, sau khi chạm mức 2.050,59 USD/ounce hôm 29/2, mức cao nhất kể từ ngày 2/2.
Giá vàng châu Á gần mức đỉnh của một tháng
Giá vàng châu Á giao dịch gần mức cao nhất của một tháng trong phiên 1/3 sau số liệu cho thấy sức ép giá của Mỹ dịu xuống, trong khi các nhà giao dịch chờ đợi phát biểu của một số quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Khoảng 13 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.047,29 USD/ounce, sau khi chạm mức 2.050,59 USD/ounce hôm 29/2, mức cao nhất kể từ ngày 2/2. Kim loại quý này đang hướng đến tuần tăng giá thứ hai. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 2.055,60 USD/ounce.
Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson tại công ty nghiên cứu thị trường City Index cho biết thị trường cảm thấy nhẹ nhõm khi không có bất ngờ nào về báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Dữ liệu cho thấy lạm phát chỉ số giá tiêu dùng tư nhân (PCE) tháng 1/2024 của Mỹ đã tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và sau khi tăng 2,6% trong tháng 12/2023.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang tập trung vào diễn biến của lạm phát mà có thể sẽ đặt ra mục tiêu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời như vàng.
Thị trường tiền tệ hiện đồn đoán sẽ có ba đợt cắt giảm lãi suất, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm trong năm 2024.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao những nhận xét từ ít nhất sáu quan chức Fed nữa vào cuối ngày 1/3 (theo giờ địa phương).
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho hay lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 3,3% trong tháng 2/2024 và giảm 6,4% từ đầu năm đến nay.
Chuyên gia Simpson cho biết mặc dù dòng vốn ETF chảy ra đang hạn chế giá vàng, song ngân hàng trung ương Trung Quốc là lý do chính khiến giá vàng vẫn được hỗ trợ bởi họ là khách hàng mua vàng dự trữ cao thứ hai trong quý IV/2023.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạch kim giao ngay tăng 0,6% lên 881,40 USD/ounce, giá bạch kim cũng tăng 0,6% lên 947,35 USD/ounce. Tuy nhiên, hai kim loại quý này đều hướng đến tháng giảm giá thứ hai liên tiếp, trong đó giá palladium chạm mức thấp của hơn 5 năm là 849,13 USD/ounce. Giá bạc giao ngay tăng 0,3%% lên 22,74 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 32 phút ngày 1/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 77,80 - 79,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Thị trường dầu chờ đợi quyết định từ OPEC+
Giá dầu châu Á tăng nhẹ trong phiên 1/3 và dự kiến kết thúc tuần này với mức khiêm tốn khi các thị trường chờ đợi quyết định từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, về các thỏa thuận cung ứng trong quý II/2024 do những dấu hiệu về nhu cầu khác nhau tại các nước tiêu thụ chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc.
Khoảng 13 giờ 45 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 5/2024 tăng 31 xu, tương đương 0,38%, lên 82,22 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 4/2024 tăng 24 xu, tương đương 0,31%, lên 78,50 USD/thùng.
Dầu WTI dự kiến tăng ít nhất 2,5% trong tuần này, trong khi dầu Brent đang “neo” gần mức đóng phiên của tuần trước. Dầu Brent đã dao động khá thoải mái trên mốc 80 USD/thùng trong ba tuần qua.
Các nhà phân tích BMI cho hay những đồn đoán về việc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng trong quý II đang gây sức ép cho thị trường vì nhu cầu yếu dự kiến sẽ kéo dài.
Khảo sát của Reuters cho thấy OPEC đã bơm 26,42 triệu thùng dầu/ngày trong tháng này, tăng 90.000 thùng/ngày trong tháng 1/2024. Sản lượng của Libya đã tăng khoảng 150.000 thùng/ngày.
Các nguồn tin cho biết quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng dự kiến sẽ diễn ra trong tuần đầu tiên của tháng 3/2024 và các nước sẽ tự công bố quyết định của riêng mình.
Người phụ trách nhóm năng lượng của Ngân hàng DBS, ông Suvro Sarkar cho biết việc ngày càng có khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ được kéo dài đến cuối năm 2024, điều này có thể giữ giá dầu trên mức 80 USD/thùng.
Một thông tin hỗ trợ giá dầu là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát yêu thích của Fed, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế, giúp củng cố dự đoán về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024. Điều này có thể làm giảm chi phí tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động mua nhiên liệu./.