Số hóa ngành tài chính: “Làm sống, làm sạch dữ liệu chính xác”
Năm 2024, ngành Tài chính sẽ chủ động thực hiện kết nối dữ liệu đồng thời tập trung 'làm sống, làm sạch dữ liệu chính xác,' trong đó ưu tiên số hóa những dữ liệu cần thiết, sử dụng thường xuyên.
Để hướng tới nền tài chính thông minh, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai có hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin lớn, cốt lõi, bám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt chú trọng hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp như lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.
Ưu tiên số hóa dữ liệu
Tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2023 và triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2024, ngày 27/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong năm qua, toàn ngành đã chủ động tập trung “làm sống, làm sạch dữ liệu chính xác" đồng thời tập trung nguồn lực để nâng cấp, mở rộng các hệ thống công nghệ thông tin, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2024 là năm sẽ tiếp tục khó khăn. Kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong nước, sản xuất kinh doanh tăng trưởng thấp, lãi suất tiền vay và nợ xấu, nợ trái phiếu vẫn ở mức cao. Thêm vào đó, các động lực tăng trưởng như bất động sản, giải ngân đầu tư công… chưa đạt như kỳ vọng. Đây sẽ là những yếu tố tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính trong năm tới.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị toàn ngành tiếp tục vượt khó, đạt mục tiêu đặt ra, đặc biệt là về thu, chi ngân sách Nhà nước. Các giải pháp về thu ngân sách trong lĩnh vực thuế, hải quan thời gian qua năm qua đã được triển khai và có nhiều cải tiến khi thực hiện hóa đơn điện tử, kết nối liên thông với dữ liệu dân cư, thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, chống chuyển giá, thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…
Tới đây, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành tiếp tục rà soát, tập trung nguồn thu từ giao dịch số, sàn thương mại điện tử trong nước, thu từ chuyển nhượng bất động sản, chống gian lận hoàn thuế, hóa đơn giả. Đây là lĩnh vực tiềm năng, có điều kiện thực hiện và cần tập trung và phối hợp với các đơn vị làm ngay.
Tập trung vào 6 động lực
Năm 2023, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp về miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, vị Tư lệnh Ngành nhấn mạnh việc giảm thuế để thực hiện chính sách tài khóa mở rộng tiếp tục kéo dài thì nguồn lực tài chính công sẽ bị suy giảm và đi ngược với thông lệ quốc tế. Hơn nữa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ là giảm thuế mà rất nhiều việc phải làm, như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục pháp lý, khó khăn về tín dụng, nguồn vốn….
Để tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế thúc đẩy tăng tổng cầu, Bộ Trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần tập trung vào 6 động lực là bất động sản, đầu tư công, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, tiêu dùng xã hội. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần có giải pháp cùng thúc đẩy các động lực trên phát triển trong năm tới.
Về phía Bộ tài chính, Bộ Trưởng yêu cầu ngành tập trung tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… và sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ về công tác phí, tiếp khách nước ngoài, phí cho cán bộ ngoại giao với yêu cầu chi đúng, chi đủ để tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Liên quan đến thị trường vốn, chứng khoán, bảo hiểm, tín dụng, trái phiếu, Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng để doanh nghiệp trả được các khoản nợ đến hạn, vấn đề cốt lõi là phải tạo môi trường đầu tư, hướng về doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp để họ “ăn nên, làm ra”. Từ đó, doanh nghiệp mới có nguồn lực trả nợ trái phiếu, bảo hiểm, có nguồn lực chăm lo cho người lao động, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp trở lại vào ngân sách Nhà nước./.