Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Tư tăng trở lại
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng Tư vừa qua, cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,3% so với tháng trước đó, với số vốn đăng ký là 154.600 tỷ đồng, tăng 6,2%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng Tư vừa qua, cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 154.600 tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 119.100 lao động, tăng 12,3% về số doanh nghiệp, tăng 6,2% về vốn đăng ký và tăng 28,5% về số lao động so với tháng trước đó.
So với cùng kỳ năm trước, tăng 6,4% về số doanh nghiệp, giảm 5,7% về số vốn đăng ký và tăng 13,7% về số lao động.
Như vậy, sau tháng Ba giảm nhẹ, doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Tư vừa qua đã bật tăng khi doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội kinh doanh quay trở lại. Điều này thể hiện rõ ở số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng với 9.610 doanh nghiệp, tăng 52,9% so với tháng trước và tăng 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 49.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 465.000 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 331.400 lao động, tăng 0,6% về số doanh nghiệp, giảm 26,8% về vốn đăng ký và giảm 4,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm nay đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
[Huy động vốn khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp lo ngại]
Nếu tính cả 604.600 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 17.174 doanh nghiệp tăng vốn trong 4 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2023 là 1.069.600 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có gần 29.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2023 lên 78.900 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 4 tháng đầu năm nay có 501 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước; 11.900 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 6,5%; gần 37.400 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 3,7%.
Ở chiều ngược lại, trong tháng Tư vừa qua, có 7.163 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 72,7% so với tháng trước và tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái; có 5.837 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 69,1% và tăng 55,2%; có 1.509 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,9% và tăng 23%.
Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49.900 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; 20.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 39,9%; 6.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Bình quân một tháng có 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, bộ, ngành đang thực hiện xây dựng và soạn thảo dự thảo Luật Phát triển công nghiệp của Việt Nam để tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ngành này.
Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Theo các chuyên gia kinh tế, với các giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trước mắt, trong ngắn hạn cũng như trong trung và dài hạn của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, nghị quyết sẽ góp phần khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng kiến nghị, để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. Theo đó, cần nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao./.