Số đầu đạn hạt nhân sẵn sàng sử dụng trên toàn cầu tiếp tục tăng
Báo cáo Giám sát lệnh cấm vũ khí hạt nhân chỉ ra rằng trong năm 2022, con số đầu đạn hạt nhân của 9 quốc gia chính thức và chưa chính thức được coi là sở hữu hạt nhân đã tăng thêm 136 đầu đạn.
Theo báo cáo Giám sát lệnh cấm vũ khí hạt nhân, số lượng các đầu đạn hạt nhân sẵn sàng để sử dụng trên thế giới đã tăng lên trong năm 2022.
Báo cáo của tổ chức phi chính phủ People's Aid (Na Uy) chỉ ra rằng 9 quốc gia chính thức và chưa chính thức được coi là sở hữu hạt nhân có tổng cộng 9.576 đầu đạn hạt nhân trong năm 2022, tăng từ mức 9.440 được báo cáo vào năm trước đó (tăng 136 đầu đạn).
Theo báo cáo, những vũ khí này có năng lực phá hủy quy mô lớn, tương đương với hơn 135.000 quả bom nguyên tử từng dội xuống Hiroshima.
Người chịu trách nhiệm soạn thảo báo cáo, Grethe Lauglo Ostern, nhận định sự gia tăng này đáng lo ngại và đã hình thành xu hướng từ năm 2017.
Trong cùng khoảng thời gian, tổng dự trữ các vũ khí hạt nhân, trong đó có cả những vũ khí đã được đưa ra khỏi danh sách phục vụ, tiếp tục giảm.
Cũng trong năm 2022, số lượng các vũ khí hạt nhân giảm từ 12.705 xuống 12.512 vũ khí khi Mỹ và Nga đã loại bỏ một số đầu đạn hạt nhân cũ không sử dụng.
Bà Ostern lo ngại nếu xu hướng tăng số đầu đạn hạt nhân không dừng lại, tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới cũng sẽ sớm tăng trở lại lần đầu tiên kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong báo cáo này, 8 quốc gia chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên.
Israel chưa chính thức được coi là sở hữu vũ khí hạt nhân./.