Số ca mắc tay chân miệng tại Đà Nẵng đang có xu hướng gia tăng

Từ đầu năm đến ngày 25/6, Đà Nẵng ghi nhận 326 ca bệnh tay chân miệng, trong đó từ ngày 19-25/6 ghi nhận thêm 38 ca bệnh và có hai ổ dịch nhỏ tại quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang.

Điều trị cho một trẻ mắc tay chân miệng. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 26/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng thông tin, hiện nay, số ca mắc tay chân miệng tại thành phố đang có xu hướng gia tăng, xuất hiện hai ổ dịch nhỏ ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ.

Từ đầu năm đến ngày 25/6, Đà Nẵng ghi nhận 326 ca bệnh tay chân miệng, trong đó từ ngày 19-25/6 ghi nhận thêm 38 ca bệnh và có hai ổ dịch nhỏ tại quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang.

Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho hay, hiện bảy quận, huyện tại Đà Nẵng đã có ca bệnh tay chân miệng; trong đó, các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê có số ca mắc tăng.

Bệnh viện Phụ Sản-Nhi Đà Nẵng, từ đầu năm đến ngày 25/6, tiếp nhận 449 ca bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, từ ngày 1/6 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 131 ca bệnh.

[Bệnh tay chân miệng ở người lớn và ở trẻ em khác nhau thế nào?]

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho biết, nhằm chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp thực hiện và kịp thời tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng, trong thời gian tới Trung tâm sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương, cộng đồng và một số trường mầm non, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn; đồng thời kiểm tra tình hình sử dụng hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các đơn vị.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3-5 và từ tháng 8-11 hàng năm.

Bệnh có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm như biến chứng thần kinh (như viêm não, viêm màng não); biến chứng tim mạch hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch... nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường./.

Võ Văn Dũng (TTXVN/Vietnam+)