Sinh viên quốc tế hào hứng trải nghiệm không khí Tết cổ truyền Việt Nam
Các sinh viên quốc tế đến từ nhiều nước khác nhau đã có cơ hội trải nghiệm không khí Tết Nguyên đán cổ truyền của Việt Nam với nhiều hoạt động như gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, cắm hoa...
Sáng nay, 26/1, trong không khí vui tươi, ấm áp chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp đến, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức chương trình "Tết sum vầy, Xuân bình an" cho các cán bộ, giảng viên, sinh viên và sinh viên quốc tế đang học tập tại trụ sở chính Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên được Trường Đại học Ngoại thương tổ chức.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của chương trình với mong muốn tái hiện lại không khí tết cổ truyền của Việt Nam và tôn vinh các nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, chương trình giúp các sinh viên quốc tế đang học tập tại trường được có cơ hội tìm hiểu về lễ hội truyền thống lớn của Việt Nam và thưởng thức các hương vị, món ăn cổ truyền, tham gia các trò chơi dân gian, lan tỏa tinh thần và quảng bá văn hoá cổ truyền dân tộc tới bạn bè quốc tế.
Với chủ đề “Hương tết”, chương trình "Tết sum vầy, Xuân bình an" năm 2024 của Trường Đại học Ngoại thương đã tái hiện lại khung cảnh và không khí đón tết ngày xuân của khu vực Đồng bằng Bắc bộ.
Trên sân trường, những nồi nước lá mùi già thơm phảng phất được đặt trên những bếp than củi như xua đi cái lạnh tê tái ngày đông. Các trò chơi dân gian như đi cà kheo, chơi ô ăn quan, nhảy sạp, đẩy gậy… được tái hiện. Những món ăn truyền thống, mang đậm bản sắc Việt Nam được giới thiệu tại các gian hàng như bánh đúc nóng, bún sườn, xôi chè… Và đặc biệt không thể thiếu những nét văn hóa đặc trưng của Tết Việt như gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, cắm hoa Tết, xin chữ “ông đồ”, nặn tò he, viết lời ước mong cho năm mới…
“Từ hương mùi già ngày bé chúng ta vẫn được mẹ nấu để tắm và rửa mặt, những trò chơi mà lâu rồi có lẽ chưa được chơi, những hình ảnh thân thuộc nơi bàn thờ gia tiên ngày Tết với mâm ngũ quả, cành đào tươi… chúng tôi muốn mang đến một không khí Tết thật đầm ấm, gần gũi, để các cán bộ giảng viên, sinh viên, nhất là sinh viên quốc tế, cùng sum họp về “ngôi nhà” Ngoại thương trước thềm năm mới,” Phó giáo sư Bùi Anh Tuấn chia sẻ.
Tại chương trình, các sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia như: Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ, Lào, Ucraina…. tham gia trao đổi học kỳ này đã được giới thiệu về những nét văn hóa truyền thống của Tết Việt Nam, được hướng dẫn gói và luộc bánh chưng, tham gia thi cắm hoa Tết và Trưng bày mâm ngũ quả, thử sức tại các trò chơi dân gian, hay thăm các gian hàng phiên chợ quê, thưởng thức hương vị ẩm thực của các món ăn cổ truyền của Tết Việt, cùng hòa nhịp vào giai điệu những ca khúc vui tươi tràn ngập sắc xuân...
Lần đầu tiên đến Việt Nam và được trải nghiệm không khí Tết Việt, Melchior Reimers, sinh viên đến từ Đại học WHU-Otto Beisheim School Management (Đức) hào hứng cho biết anh cảm thấy vô cùng ấn tượng với không khí sôi động, đầm ấm, đầy tình thân. Nam sinh viên người Đức cũng tỏ ra rất thích thú với việc gói bánh chưng và háo hức chờ sẽ được nếm thử món bánh đặc trưng ngày Tết của người Việt.
Trước đó, Công đoàn trường, Đoàn thanh niên cùng các đơn vị đã tổ chức các hoạt động tôn vinh tết Việt như Hướng dẫn trang trí “Đem tết về nhà”; buổi chia sẻ “Khám phá nét đẹp văn hoá truyền thống Tết cổ truyền Việt Nam” với sự tham gia chia sẻ chuyên gia văn hóa.
Nằm trong chuỗi các hoạt động trong chương trình "Tết sum vầy, Xuân bình an 2024," cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ sở Quảng Ninh của trường cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như Hội thi văn nghệ “Mừng Đảng quang vinh, Tổ quốc hùng cường, xuân ấm áp yêu thương”, gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp tất niên; gặp mặt cán bộ Đoàn Hội, “Xuân yêu thương”, “Ngày Hội bánh chưng xanh, Tết an lành”…. tặng quà cho người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn./.