Siêu bão Yagi - phép thử về chất lượng các công trình xây dựng
Chuyên gia nhận định siêu bão Yagi chính là một phép thử về sức chống chọi của các công trình xây dựng, nhất là với chất lượng của nhóm nhà cao tầng, chung cư.
Cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đổ bộ vào Việt Nam với gió mạnh kèm mưa lớn đã khiến nhiều tòa nhà cao tầng tại các đô thị trung tâm như Hà Nội hay Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dù được xếp vào nhóm công trình kiên cố nhưng hàng loạt tình huống bung vách kính, bay từng mảng kính lớn, nước tràn vào nhà hay sập trần thạch cao… tại các tòa nhà cao tầng đã được ghi nhận trong đợt bão vừa qua.
Các chuyên gia cho rằng không thể lấy một cơn bão làm tiêu chí để đánh giá tất cả chất lượng nhà cao tầng, chung cư, tuy nhiên, siêu bão Yagi lần này chính là một phép thử về sức chống chọi của các công trình xây dựng, nhất là với chất lượng của nhóm nhà cao tầng, chung cư. Đồng thời, khuyến cáo về các tiêu chí, chất lượng xây dựng phù hợp với thực tiễn biến đổi khí hậu hiện nay.
Liên quan đến quy chuẩn xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết tất cả các công trình xây dựng bao gồm cả chung cư đều phải tuân thủ theo QC 02/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số liệu điều kiện tự nhiên trong xây dựng.
Như vậy, các công trình phải tuân thủ thiết kế bao gồm cả chống bão và động đất tính theo tùy vùng miền khác nhau. Một trong những yếu tố an toàn là thiết kế an toàn chịu lực.
Công trình thiết kế tải trọng theo phương đứng, trọng lượng gồm bản thân của công trình, người, thiết bị trên công trình; tải trọng theo phương ngang là lực tác động của gió gồm gió tĩnh và xung động như bão.
Ngoài tải trọng gió còn có động đất do rung lắc. Cứ 5 năm quy chuẩn lại được xem xét để đo lại mức gió để cập nhật lại, Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh khẳng định.
Bàn về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cửa kính bị thổi bay tại các tòa nhà cao tầng trong siêu bão Yagi, Nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), ông Lê Văn Thịnh cũng cho rằng sự cố này đều do công trình thi công không đúng quy chuẩn, chứ không phải do quy chuẩn đã lỗi thời.
Theo phân tích của chuyên gia này, cửa và vách kính là những kết cấu bao che có vai trò rất quan trọng trong công trình. Đơn vị thiết kế kết cấu cần phải tính toán chi tiết với các áp lực gió, bao gồm độ dày, số lớp kính và cấu tạo kính phù hợp. Đồng thời, cần đảm bảo liên kết chắc chắn giữa khung vách hoặc khung cửa với kết cấu chịu lực xung quanh.
Đó là về lý thuyết, tuy nhiên, tình trạng hiện tại là nhiều đơn vị thiết kế bỏ qua bước này, để nhà thầu tự lựa chọn, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Bởi vậy, đây cũng có thể là nguyên nhân, ông Thịnh phân tích thêm.
Bất kể một tòa nhà hay một công trình nào đều có kết cấu chịu lực, kết cấu bao che. Đơn vị thiết kế kết cấu phải tính toán với các áp lực gió thì có kính phải có độ dày tương ứng để đảm bảo; thậm chí yêu cầu về cấu tạo kính (mấy lớp). Đặc biệt, khung vách hay khung cửa đều phải được liên kết với kết cấu chịu lực, kết cấu bao che xung quanh... để đảm bảo an toàn.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhận xét trong cơn bão Yagi xảy ra tình huống là các vật liệu trang trí hay bảo vệ bị phá vỡ là do liên kết không đúng quy chuẩn khiến tâm lý những người sử dụng rất căng thẳng.
Hiện tượng kính rơi, nước mưa thấm rồi tràn qua cửa, hệ thống thông gió, sập trần thạch cao... giữa lúc bão to làm nhiều người hoang mang, không biết chống đỡ ra sao; thậm chí hoàn toàn bất lực.
Bởi vậy, cần nhận thức đầy đủ việc đáp ứng đầy đủ quy chuẩn, quy phạm trong thi công xây dựng công trình, ngay cả những điều kiện khắt khe.
Các yếu tố này cần phải được triển khai không chỉ ở khâu giám sát mà cần chú trọng ngay từ lúc thẩm định hồ sơ thiết kế; xem xét yêu cầu về điều kiện vật liệu liên kết, chất liệu và sức chịu tải cũng như cả giải pháp thiết kế. Tất cả đều không thể xem nhẹ.
“Sau trận bão này, người sử dụng sẽ có những nhận thức rất khác, cảnh giác cao hơn bởi đây không phải là trận bão cuối cùng, duy nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay. Các rủi ro về thiên nhiên phải đối mặt cũng ngày càng phức tạp hơn,” kiến trúc sư Trần Huy Ánh chia sẻ.
Đứng dưới góc độ nhà thầu, một số đơn vị thi công cũng cho rằng, siêu bão số 3-Yagi vừa qua là lời cảnh báo về chất lượng thi công hiện nay và để giảm thiệt hại trong mưa bão thì các bên phải thực hiện đúng trách nhiệm, từ thiết kế, chọn vật liệu đến thi công, giám sát và nghiệm thu.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nguyên nhân khách quan dẫn đến hiện tượng sự cố tại một số tòa nhà cao tầng tại Quảng Ninh, Hà Nội vừa qua là do cường độ cơn bão. Bởi Yagi được cơ quan chức năng xác định có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua tại Việt Nam.
Đây cũng là cơn bão hiếm hoi đổ bộ trực diện Hà Nội nên không tránh khỏi tác động đến các công trình xây dựng, nhất là những tòa chung cư, khu nhà đã hoạt động cả chục năm và có sức chịu gió bão kém.
Mặc dù vậy, cũng có những tòa chung cư mới hoạt động mấy năm gần đây nhưng cũng bị đổ cả mảng kính, sập trần thạch cao, hỏng lan can cho thấy có vấn đề về chất lượng thi công, trang thiết bị hoặc vật liệu.
Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể do việc thi công không đảm bảo quy trình, thiếu trách nhiệm ở một số dự án thì trách nhiệm là của nhà thầu. Còn nếu chất lượng đầu vào của trang thiết bị, vật liệu không đảm bảo thì “lỗi” thuộc về phía chủ đầu tư khi bàn giao cho cư dân, ông Hiệp nhận xét.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons - một trong những nhà thầu thi công tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay, khi thiết kế, thi công, nhiều công trình đều được tính toán rất cẩn thận về kết cấu và ứng dụng tiên tiến được áp dụng trong ngành xây dựng (AEC) và được sử dụng trong xuyên suốt quá trình thi công các dự án, từ bước thiết kế, thi công xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến lúc dự án hoàn thành, để đảm bảo tính an toàn trong các trường hợp rủi ro như thiên tai, bão lũ.
Đơn cử như việc Coteccons chọn sử dụng hệ diagrid - kết cấu đặc biệt lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam (kết cấu chịu lực bằng thép hình bên trong và thép rebar bên ngoài để tạo nên hệ cột diagrid) có đáp ứng khả năng chịu lực, chịu tải trọng gió tốt, đảm bảo an toàn khi có sự cố mà vẫn đảm bảo về hình tượng kiến trúc.
Toàn bộ hệ cột diagrid được lên phương án thi công bằng công nghệ BIM (ứng dụng tiên tiến được áp dụng trong ngành xây dựng và được sử dụng trong xuyên suốt quá trình thi công các dự án, từ bước thiết kế, thi công xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến lúc dự án hoàn thành).
Điều này giúp tính toán được các bước thi công đảm bảo tính chính xác, cũng như chất lượng công trình giúp tòa nhà có thể vững chãi vượt qua “phép thử” trong siêu bão một cách an toàn, doanh nghiệp này hiến kế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, xu hướng thiết kế được nhiều chủ đầu tư và cả khách hàng yêu thích hiện nay là sử dụng nhiều vách kính tại các nhà cao tầng.
Những căn hộ nằm ở tầng cao, vị trí góc thường là lựa chọn được ưu tiên dù mức giá bán cao hơn hẳn. Tuy nhiên, căn hộ góc ở một số dự án cũng có nhược điểm nằm ở vị trí hút gió và việc sử dụng quá nhiều vách kính sẽ kém an toàn trong tình huống thiên tai như gió bão, động đất.
Sau những tình huống siêu bão Yagi để lại, yếu tố để khách hàng lựa chọn thiết kế, vị trí căn hộ tại các tòa nhà cao tầng cũng có thể sẽ thay đổi./.