Siết quản lý thuế trong hoạt động livestream bán hàng
Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đã đặt ra những thách thức đối với quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thuế.
Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; tăng cường giám sát tuân thủ đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo trong hoạt động livestream bán hàng.
Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số đã đặt ra những thách thức đối với quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thuế.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc thất thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước trên thế giới nên đang được quan tâm để quản lý chặt chẽ và hiệu quả, đem lại sự công bằng giữa các hình thức kinh doanh và môi trường kinh doanh bình đẳng, tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
Do đó, để chống thất thu thuế và tạo môi trường kinh doanh công bằng trên thị trường số, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ các nhóm đối tượng người nộp thuế, tăng cường khai thác, rà soát cơ sở dữ liệu thương mại điện tử cũng như tiếp tục làm đầy cơ sở dữ liệu.
Đồng thời, rà soát chất lượng thông tin do sàn cung cấp; tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường quản lý thuế lĩnh vực dịch vụ truyền hình, truyền thông, sáng tạo nội dung phát sinh thu nhập từ quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng xuyên biên giới, tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết đến nay đã có 383 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin trên cổng thông tin thương mại điện tử, tăng 22 sàn so với số lượng sàn cung cấp thông tin (tính từ kỳ quý 4/2022 đến kỳ quý 4/2023).
Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai rà soát, yêu cầu các sàn cung cấp lại thông tin đảm bảo thông tin cung cấp đầy đủ, sát với thực tế phát sinh trên toàn quốc, các sàn đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức và việc tuân thủ quy định về cung cấp thông tin.
Qua rà soát, 18/361 sàn thực hiện cung cấp lại thông tin đảm bảo đúng, đủ theo quy định.
Tại Hà Nội, là số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử những tháng đầu năm đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, gồm thu từ sàn thương mại điện tử đạt 2.500 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp 6.700 tỷ đồng, thu từ hộ kinh doanh và cá nhân 700 tỷ đồng.
Đại diện Cục thuế Hà Nội cho biết đến nay, cơ quan thuế đã xây dựng được kho dữ liệu liên quan của tất cả cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, gồm hơn 320 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, 54 doanh nghiệp là sàn thương mại điện tử lưu trú, khoảng 21.500 doanh nghiệp, hơn 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân có tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn Shopee, Tiki, Lazada, thu thập khoảng 110.000 tài khoản ngân hàng, định danh hơn 591.200 quầy hàng.
Cục Thuế đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về số tài khoản ngân hàng, doanh thu, mức thuế, dòng tiền của các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, từ đó xác định đúng nghĩa vụ của người nộp thuế.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết ngành thuế tiếp tục triển khai đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật thuế, đồng thời tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung đảm bảo quy định đồng bộ, thống nhất.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiện đại hóa quản lý thu, nộp thuế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc thực hiện nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế theo hình thức điện tử; phát triển các ứng dụng, công cụ công nghệ thông tin để thu thập cơ sở dữ liệucủa các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử khác.
Song song với triển khai một loạt các giải pháp nêu trên, Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát và "làm giàu" cơ sở dữ liệu thương mại điện tử từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành, các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái thương mại điện tử.
Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, thực hiện phân tích rủi ro, trong đó có sử dụng phương pháp học máy, áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng./.