Siết chặt kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân
Các địa phương ở Đông Nam Bộ siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các chợ truyền thống.
Với mật độ dân số cao bậc nhất cả nước, Đông Nam Bộ có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất cao, nên việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Đặc biệt, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra gần đây ở Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận... càng khiến các địa phương trong khu vực siết chặt nhiều giải pháp kiểm soát trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.
Vấn đề cấp thiết
Đến thời điểm này, theo Phòng Y tế thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mỳ ở khu phố 2, phường Xuân Bình vào ngày 30/4/2024 đã khiến 554 người mắc, trong đó có 126 trẻ em.
Nguyên nhân được xác định là do vi khuẩn Samonella có trong thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm.
Hay ngày 15/5 vừa qua, sau bữa ăn chiều với món mỳ quảng gà và bánh đa gà, gần 100 công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dechang Việt Nam ở khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom cũng bị triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… phải nhập viện.
Theo bác sỹ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, các bệnh nhân nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, đã lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân.
Hiện, tất cả trường hợp nhập viện đều ổn định sức khỏe, phần lớn đã xuất viện.
Hai vụ ngộ độc tập thể xảy ra liên tiếp ở tỉnh Đồng Nai trong vòng nửa tháng qua là "hồi chuông" báo động về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai Nguyễn Đình Minh cho biết Đồng Nai hiện có trên 19.300 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Trong ba tháng đầu năm 2024, các đoàn liên ngành đã kiểm tra trên 3.100 cơ sở, phát hiện 302 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Qua đó, tiêu hủy 13 loại thực phẩm vi phạm do sử dụng nguyên liệu quá thời hạn sử dụng; sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc, xuất xứ; sản phẩm dương tính với hàn the…
Theo ông Nguyễn Đình Minh, mặc dù đạt được những kết quả nhất định song trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ngộ độc thực phẩm.
Nguyên nhân là do số lượng các cơ sở thức ăn đường phố và sản xuất kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh rất nhiều, hoạt động thời vụ, không có giấy phép kinh doanh.
Một số cửa hàng kinh doanh mang tính chất lưu động, không có địa điểm cố định, điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 13 triệu người tính cả khách vãng lai, do vậy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề cấp thiết.
Thành phố cũng là đầu mối lưu thông lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Tại ba chợ đầu mối lớn trên địa bàn, lượng nông sản cung ứng thị trường thành phố bình quân 7.600 tấn/ngày.
Trong những tháng vừa qua, nắng nóng diễn ra kéo dài và phức tạp, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm càng được siết chặt hơn. Các chợ đầu mối phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền để nâng cao ý thức của tiểu thương.
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho rằng hiện hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm ngày càng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Ở các địa phương nói chung hay Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng chưa hoàn toàn miễn nhiễm khỏi những đợt ngộ độc thực phẩm tập thể.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm luôn cấp thiết, nếu không, thực phẩm cung cấp cho người dân sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.
Tăng cường các giải pháp
Trước thực trạng nêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục tập trung triển khai mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, phân phối thực phẩm an toàn, phát triển sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao, hướng tới giảm dần tỷ trọng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Ông Nguyễn Đình Minh khuyến cáo người dân ăn chín, uống chín, hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng. Dùng nguồn nước sạch, an toàn. Có vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống để tránh nhiễm khuẩn chéo, nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống.
Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.
Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” từ 15/4-15/5 vừa qua.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Tháng hành động nhưng không có nghĩa chúng ta chỉ tập trung vào mỗi tháng này mà công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là công tác thường xuyên, liên tục suốt năm, từ đợt này sang đợt khác với nhiều mũi nhọn.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho rằng để Tháng hành động đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cần có những chỉ đạo sát sao về nâng cao vai trò của các cấp chính quyền trong quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của cả người tiêu dùng.
Tại tỉnh Bình Dương, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y, vận chuyển gia súc, gia cầm; quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn và kiểm tra chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ nơi trồng trọt đến các chợ rau quả đầu mối.
Bên cạnh đó, cần quan tâm hướng dẫn các trang trại thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP theo chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh.
Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cũng phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tập trung kiểm tra chặt chẽ mặt hàng rượu sản xuất thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường kiểm tra, giám sát thực phẩm tại các chợ truyền thống, truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường; phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm qua môi trường mạng.../.