Siết các quy định xử phạt với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định nhằm siết chặt trách nhiệm đôn đốc, xử lý các trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và quy định cụ thể hơn về các hình thức xử phạt.
Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Nghị định tập trung cụ thể hóa các quy định được giao trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024; kế thừa những quy định vẫn còn phù hợp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Dự thảo cụ thể hóa các quy định về: Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; Khiếu nại và giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội; Tố cáo và giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội; Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Siết xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Tại dự thảo, Bộ Nội vụ nêu rõ hằng tháng, giám đốc cơ quan bảo hiểm xã hội nơi quản lý trực tiếp người lao động có trách nhiệm rà soát, xác định đơn vị sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm. Trong 10 ngày đầu tháng, cơ quan bảo hiểm phải gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp khắc phục.
Trường hợp vi phạm được phát hiện ngoài các hình thức chậm, trốn đóng nêu trên, chẳng hạn qua thanh tra hoặc phản ánh từ cơ quan có thẩm quyền thì thời hạn yêu cầu khắc phục rút ngắn còn 3 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện.
Định kỳ hằng quý, trước ngày 15 của tháng đầu quý, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh tổng hợp danh sách doanh nghiệp chậm, trốn đóng và gửi báo cáo về Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh để xử lý theo thẩm quyền. Báo cáo toàn quốc được thực hiện vào ngày 15/7 và 15/1 hằng năm, phản ánh tình hình vi phạm đến hết ngày 30/6 và 31/12.
Trường hợp có yêu cầu từ cơ quan chức năng, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng sẽ thực hiện báo cáo đột xuất về các đơn vị vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm.

Dự thảo cũng làm rõ các trường hợp trốn đóng và chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Một số hành vi cụ thể bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp gồm: Không đăng ký đóng bảo hiểm cho phần tiền lương thực tế nhưng không ghi trong sổ sách kế toán; Sử dụng giấy tờ giả hoặc thông tin sai sự thật để được tạm dừng đóng bảo hiểm.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp chậm đóng đều bị xem là vi phạm. Dự thảo nêu rõ hai trường hợp không bị coi là trốn đóng, bao gồm: Doanh nghiệp đăng ký tham gia muộn vì sự cố khách quan bất khả kháng, đã nỗ lực khắc phục nhưng không thể tránh được; Doanh nghiệp không đóng hoặc đóng thiếu do sự cố khách quan tương tự và đã áp dụng mọi biện pháp trong khả năng cho phép.
Áp dụng đồng thời nhiều hình thức xử phạt
Số tiền chậm đóng được tính dựa trên khoản tiền mà doanh nghiệp có trách nhiệm đóng nhưng chưa thực hiện đúng thời hạn theo quy định. Số ngày chậm đóng được tính kể từ sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo luật định.
Hằng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm xác định rõ số tiền, số ngày chậm đóng và tính số tiền phát sinh thêm do vi phạm. Mức phạt được tính 0,03%/ngày trên số tiền chậm hoặc trốn đóng.
Khi phát hiện vi phạm, cơ quan bảo hiểm sẽ yêu cầu doanh nghiệp nộp tiền theo thứ tự: Tiền phạt phát sinh do chậm/trốn đóng (0,03%/ngày); Tiền trốn đóng phân bổ đều vào các quỹ bảo hiểm; Tiền chậm đóng phân bổ đều vào các quỹ bảo hiểm; Các khoản khác theo quy định; Xử lý cả hành chính lẫn hình sự người vi phạm.
Doanh nghiệp vi phạm có thể bị áp dụng đồng thời nhiều biện pháp gồm: Buộc nộp đủ tiền chậm, trốn đóng và tiền phạt tương ứng; Xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng; Không được xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng trong thời gian vi phạm./.