SIAL Canada 2024 mở ra cơ hội cho thực phẩm chế biến của doanh nghiệp Việt Nam
Thị trường hoa quả đông lạnh là một trong những hướng đi có tiềm năng bởi Canada là nơi có khí hậu khắc nghiệt và phải phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nông sản từ nước ngoài.
Hội chợ triển lãm nông sản và thực phẩm chế biến lớn nhất khu vực Bắc Mỹ (SIAL) diễn ra tại Montreal, Canada vào cuối tuần qua đã thu hút hàng chục nghìn nhà triển lãm từ hơn 40 quốc gia và hơn 20.000 lượt khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới.
Tham gia SIAL Canada năm nay có hai công ty của Việt Nam là Thuận Phong (Tufoco) và Sapo DAKLAK.
Với những thế mạnh riêng của mình, cả hai công ty đều thu hút quan tâm của nhiều khách tham quan, mở ra triển vọng xuất khẩu thực phẩm chế biến trong tương lai.
SIAL Canada được đánh giá không chỉ là điểm gặp gỡ và trao đổi của ngành nông sản thực phẩm chế biến, mà còn là cửa ngõ đặc quyền để đi vào thị trường Bắc Mỹ đối với tất cả các doanh nghiệp tham gia triển lãm.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Canada, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam Trần Thu Quỳnh cho biết từ nhiều năm qua, Thương vụ đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia hội chợ này.
Hằng năm, Thương vụ đều đăng tải thông tin về SIAL ở Việt Nam để tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chế biến của Việt Nam để tiếp cận thị trường Bắc Mỹ.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, trong năm nay, Thương vụ chưa có cơ chế tài trợ gian hàng cho các doanh nghiệp, nhưng sẽ phối hợp với họ để hỗ trợ trong việc vận chuyển hàng mẫu và trưng bày tại showroom của Thương vụ cũng như sẽ tìm cách để kết nối giới thiệu trực tiếp với tất cả các nhà nhập khẩu trong thời gian tới sau khi doanh nghiệp hết thời gian trưng bày tại hội chợ.
Công ty Thuận Phong tham dự hội chợ lần này với các sản phẩm khá đặc trưng của Việt Nam như nước dừa và nước cốt dừa đóng hộp.
Doanh nghiệp này nhận định thị trường Bắc Mỹ là thị trường đang tăng trưởng rất nhanh, phù hợp với chiến lược của công ty. Ngoài ra, họ cũng mong muốn đưa được các sản phẩm quê hương tới phục vụ cộng đồng người Việt ở đây.
Giám đốc bán sản phẩm Jenny Pham của Công ty Thuận Phong cho biết SIAL là một trong những hội chợ lớn mà công ty muốn tham dự. Hằng năm, công ty vẫn đăng ký tham dự SIAL Paris và nhận thấy hội chợ này có quy mô lớn cũng như đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Bà Jenny Pham cho rằng đó chính là những lý do để công ty Thuận Phong muốn tham gia thử nghiệm tại SIAL Canada nhằm giới thiệu một số sản phẩm, đồng thời tìm nhà phân phối và nhà nhập khẩu tại khu vực này.
Đối với Sapo DAKLAK, một công ty chuyên sản xuất rau quả và trái cây đông lạnh, mục tiêu tham dự SIAL Canada năm nay là mở rộng thị trường sau khi họ đã có hai nhà máy đi vào hoạt động ổn định và đang chuẩn bị mở cái thứ ba vào cuối năm nay.
Sản phẩm mà Sapo DAKLAK mang đến triển lãm lần này là các loại trái cây đông lạnh được xử lý theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng cũng như giữ nguyên được dinh dưỡng và màu sắc tự nhiên.
Trưởng phòng kinh doanh Mia Dang của Sapo DAKLAK chia sẻ năm nay là năm công ty tập trung tham gia các hội trợ trên toàn thế giới để chuẩn bị cho việc mở thêm một nhà máy mới.
Sau hội chợ SIAL Canada này, công ty sẽ tham dự Hội chợ Thaifex của Thái Lan, Seoul Food tại Hàn Quốc, các hội chợ ở Australia, Nga và thậm chí cả SIAL Paris trong năm nay.
Thị trường rau quả và trái cây đông lạnh được đánh giá có mức độ tăng trưởng rất nhanh và có thể thay thế được rau quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Canada do giá vận chuyển khó cạnh tranh được với khu vực Nam Mỹ.
Đây là một trong những hướng đi có tiềm năng bởi Canada là nơi có khí hậu khắc nghiệt và phải phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nông sản từ nước ngoài.
Bên cạnh việc các doanh nghiệp Việt Nam tìm cách xuất khẩu trực tiếp hàng nông sản và thực phẩm chế biến vào thị trường Canada, các công ty Việt Nam cũng có thể kết hợp với các công ty địa phương để sản xuất và nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Bà Trần Thu Quỳnh nhận xét đây là một hình thức rất đáng khích lệ bởi vì đó là mô hình cho việc kết nối các sản phẩm nông nghiệp chưa được chế biến để đưa vào chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời không chỉ để tiếp cận thị trường Canada mà còn để cùng tiếp cận các thị trường mà cả Việt Nam và Canada có chung hiệp định thương mại tự do./.