“Sếp” Box Office Vietnam: 2023 là “năm trỗi dậy” của phim Việt Nam
Năm 2023 phim Việt chỉ chiếm xấp xỉ 10% tổng số phim ra rạp, tuy vậy phim đạt doanh số khá lớn, tương đương 41% thị trường. Thống kê này cho thấy một số thay đổi trong thói quen ra rạp của người Việt.
Phòng vé năm 2023 chứng kiến thành tích không mấy có lợi cho phim Hollywood, đặc biệt với phim siêu anh hùng. Ở chiều ngược lại, điện ảnh Việt có đến 6 tác phẩm lọt doanh thu “top 10.”
Thu thập số liệu thống kê về lượng vé, doanh thu, tỷ lệ lấp rạp… tại phòng vé Việt Nam, đại diện nền tảng Box Office Vietnam (BOVN) cho rằng đã và đang có những thay đổi nhất định trong thói quen ra rạp của khán giả Việt.
Ông Nguyễn Khánh Dương – người sáng lập và vận hành BOVN đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những đánh giá về phòng vé năm 2023 và dự báo cho năm 2024.
Phim Việt phủ sóng “top 10”
- Kết thúc năm 2023, ông có nhận định thế nào về tình hình phòng vé năm nay?
Ông Nguyễn Khánh Dương: Theo tôi quan sát, 2023 là một trong những năm đặc biệt khi có sự trỗi dậy của các phim Việt Nam. Có đến 6/10 số phim đạt doanh số cao nhất năm nay là phim nội. Đây là điều chưa từng xảy ra trong những năm trước.
Hai thương hiệu phim siêu anh hùng Marvel và DC năm nay cũng không hề xuất hiện trong “top 10.” Đây cũng là điều chưa từng xảy ra. Tôi nghĩ xu hướng “chán phim siêu anh hùng” (superhero fatigue) tại thị trường Bắc Mỹ cũng là hiện tượng chung trên thế giới, khán giả Việt không còn có nhiều hào hứng khi theo dõi các siêu anh hùng.
Đây là thay đổi khá lớn về thói quen ra rạp của người dân. Khán giả Việt không theo dõi nhiều phim bom tấn của Hollywood nữa.
- Trong những năm gần đây, qua số liệu của Box Office Vietnam, dễ thấy nhiều phim mới được xếp số suất chiếu lớn (thường trên 3.000 suất - khoảng 50% thị trường) trong thời gian đầu ra mắt. Việc này có thể gây bất lợi và lép vế cho nhiều phim khác, trong đó có phim Việt. Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc sắp xếp này lên doanh thu phòng vé nói chung?
Ông Nguyễn Khánh Dương: Theo trao đổi của chúng tôi với các nhà rạp, việc sắp xếp suất chiếu đều dựa trên đánh giá chung về phim và chất lượng nội tại của tác phẩm. Rạp phim làm kinh doanh nên cần tối ưu hóa lợi nhuận, không thể ưu ái cho phim có tỷ lệ lấp rạp thấp và làm yếu đi phim có tỷ lệ lấp rạp cao.
Nhưng với một phim Việt có chỉn chu, có đầu tư hợp lý, hợp thị hiếu thì phía nhà rạp vẫn ưu ái để có tần suất chiếu cao hơn. Ví dụ đầu tháng 12 có phim “Chiếm đoạt” ra mắt cùng lúc “Wish” (phim Disney) và “Yêu lại vợ ngầu” (Hàn Quốc), tuy nhiên được nhà rạp xếp suất chiếu lớn hơn so với các bộ phim nước ngoài mặc dù vào thời điểm đó kết quả phim không khả quan như bộ phim nước ngoài khác.
Trước đó vào tháng Tám cũng có “Kẻ ẩn danh” được xếp suất gấp đôi so với tác phẩm phim nước ngoài cùng tuần (“Shin cậu bé bút chì: Đại chiến sushi bay” - hoạt hình Nhật và “Địa đàng sụp đổ” - Hàn Quốc). Tôi nhận thấy phía nhà rạp có sự ưu ái nhất định cho phim Việt.
Chọn rạp hay xem ở nhà?
- Từ sắp xếp thị trường như vậy, ông có nhận định gì về thói quen ra rạp và chọn phim của người Việt? Họ ra rạp vì có phim mình thích, hay ra rạp rồi mới chọn phim?
Ông Nguyễn Khánh Dương: Sẽ rất khó để có thể hiểu được tâm lý của toàn bộ khán giả Việt Nam. Tuy nhiên dựa trên đánh giá nội bộ của chúng tôi, qua những cuộc phỏng vấn với khán giả và theo dõi tỷ lệ đặt trước: Khán giả Việt Nam không chọn phim yêu thích rồi ra rạp nữa, mà ra rạp rồi mới chọn phim, mua vé.
Những người đặt vé trước 3-4 ngày, 1 tuần để có thể xem bộ phim của mình yêu thích giờ không còn nhiều. Những người thực sự thích điện ảnh mà chúng tôi đặt biệt danh là “khán giả tinh hoa” – những người ra rạp vì phim mình thích, đã có sự sụt giảm đáng kể trong năm nay.
Nếu yêu thích điện ảnh nước ngoài, nhóm này đã có nhiều lựa chọn khác có thể thưởng thức ở nhà thay vì ra rạp. Khán giả ra rạp không chỉ dựa duy nhất vào chất lượng phim. Họ còn dựa nhiều vào trải nghiệm tại rạp, thể hiện qua lượng lớn khán giả chọn vé IMAX để xem phim tour hòa nhạc của Taylor Swift hay các phim chú trọng kỹ xảo như “Avatar 2.” Tôi nghĩ rằng là đây là một trong nhiều chuyển dịch về hành vi của khán giả Việt Nam.
- Phim Việt năm 2023 có doanh thu nội địa lớn vượt trội so với 2019 – thời điểm được coi là đạt đỉnh trong lịch sử phòng vé Việt. Ông có dự báo gì về điện ảnh nội địa trong năm 2024?
Ông Nguyễn Khánh Dương: 2023 là một năm kinh tế khó khăn, người dân có rất nhiều lựa chọn giải trí khác nhau và nhiều người đã chọn ra rạp. Để họ bỏ thời gian, tiền bạc ra rạp thì những phim Việt này họ phải thực sự yêu mến hoặc gắn bó. Tôi hy vọng những kết quả tốt của điện ảnh Việt Nam trong năm nay là tiền đề cho năm 2024 và thời gian sau nữa.
- Xin cảm ơn ông!