SeABank đạt lợi nhuận trước thuế 6.039 tỷ đồng, số dư CASA tăng gần gấp đôi
SeABank hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận trước thuế đạt 6.039 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 96%, chiếm 19,4% tổng huy động.
Năm 2024, nhờ chiến lược kinh doanh linh hoạt cũng như bám vững định hướng mục tiêu phát triển bền vững, SeABank đã hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt 6.039 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm trước, hoàn thành 103% kế hoạch; quy mô tổng tài sản là 325.699 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023; dư nợ tín dụng đạt 209.355 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 20,42%, trong đó ưu tiên tập trung giải ngân vào các lĩnh vực tín dụng xanh và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Tổng huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức tài chính quốc tế vượt kế hoạch năm, đạt 215.984 tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng ấn tượng đạt 32.658 tỷ đồng, tăng 96% so với năm 2023 và chiếm 19,4% tổng huy động. Cùng với việc phát triển mạnh CASA, tổng thu nhập hoạt động của SeABank cũng tăng trưởng ấn tượng 32% so với năm trước, đạt 12.409 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,89%, thấp hơn nhiều so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nhờ tập trung vào công nghệ số và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ giúp hoạt động kinh doanh của SeABank duy trì tăng trưởng ổn định, các chỉ số về hiệu quả hoạt động đều có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 14,75% và tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) đạt 1,63%. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) năm 2024 giảm đáng kể, ở mức 33,28%.
Trong năm 2024, SeABank đã tạo dựng được uy tín trên thị trường quốc tế khi nhiều tổ chức tài chính tin tưởng hợp tác. Huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế tăng hơn 250 triệu USD, đạt 850 triệu USD chưa bao gồm tài trợ thương mại, nổi bật trong đó là việc IFC ký kết hợp tác 75 triệu USD nhằm đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp cho phụ nữ làm chủ, đồng thời nâng hạn mức tài trợ thương mại cho SeABank lên 40 triệu USD. Cùng với đó, IFC và AIIB đầu tư cho SeABank tổng 150 triệu USD nhằm phát hành trái phiếu xanh lam đầu tiên tại Việt Nam và trái phiếu xanh lá đầu tiên bởi tổ chức tài chính trong nước. Norfund đã đầu tư 30 triệu USD cho SeABank nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam.
Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, năm 2024 SeABank đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 28.350 tỷ đồng sau đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, đúng theo lộ trình đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Vào cuối năm 2024 SeABank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. (AEON Financial). Việc chuyển nhượng PTF cho công ty thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group giúp SeABank tăng cường năng lực tài chính, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất. Các thủ tục giao dịch chuyển nhượng sẽ được hai bên hoàn tất trong đầu quý 1/2025.
Năm 2025 SeABank đặt mục tiêu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, trong đó dự kiến tổng tài sản tăng 10%; tăng trưởng tín dụng đạt 15%, đảm bảo phù hợp với hạn mức dư nợ tín dụng tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn dự kiến tăng 16%. Với kế hoạch trên, năm 2025 Ngân hàng kỳ vọng đạt lợi nhuận trước thuế 6.458 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2024 và tỷ lệ ROE dự kiến đạt 13,8%./.