SEA Games 32: Võ thuật và thể dục dụng cụ Việt Nam nỗ lực vượt khó

Các môn thi đấu võ thuật và thể dục dụng cụ Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc nước chủ nhà SEA Games 32 ra một số quy định "đặc biệt," qua đó khiến mục tiêu cạnh tranh huy chương khiêm tốn.

Hai điểm đáng chú ý tại SEA Games 32 gồm không có nội dung thi đấu dành cho nữ ở môn Thể dục dụng cụ và Giới hạn số lượng nội dung tham dự của các đoàn thành viên, trừ nước chủ nhà.

Quy định này khiến các môn võ thuật và thể dục dụng cụ Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp, buộc phải đưa ra nhiều thay đổi trong quá trình tập luyện. Bên cạnh đó, mục tiêu cạnh tranh huy chương cũng khiêm tốn so với SEA Games 31 trên sân nhà.

Theo Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục Thể thao), ông Hoàng Quốc Vinh, hai quy định nêu trên khiến Đoàn thể thao Việt Nam có thể mất tối thiểu 30 huy chương vàng tại SEA Games 32 và khó đạt thành tích đứng đầu bảng tổng sắp huy chương.

Võ sỹ "ép cân" liên tục  

Với quy định giới hạn số lượng nội dung tham dự của các đoàn thành viên (trừ nước chủ nhà), một số môn thi đấu thế mạnh của Việt Nam gồm Taekwondo và Pencak Silat chỉ có thể đặt chỉ tiêu giữ vững thành tích như ở kỳ Đại hội gần nhất, thay vì tham vọng gặt hái nhiều huy chương hơn.

Ngày 16/3, huấn luyện viên Vũ Anh Tuấn của đội tuyển Taekwondo Việt Nam cho biết ban huấn luyện đã phải thay đổi liên tục các kế hoạch tập luyện vì quy định từ nước chủ nhà. Theo đó, từ 8 hạng cân, các võ sỹ Việt Nam chỉ được phép tham gia tranh tài 5 hạng cân tại SEA Games 32.

Điều đó khiến đội tuyển Teakwondo phải thay đổi hạng cân sở trường của một số vận động viên trụ cột để đảm bảo khả năng cạnh tranh huy chương. Toàn đội sẽ nỗ lực giành từ 2 huy chương vàng trở lên trong tổng cộng 5 hạng cân tham dự.

Huấn luyện viên Vũ Anh Tuấn nói: "Đội tuyển Taekwondo vừa trải qua quá trình tập huấn tại nước ngoài và chỉ còn tập luyện trong nước từ nay cho đến SEA Games 32. Chúng tôi nỗ lực mời thêm một số võ sỹ chất lượng đến Việt Nam thi đấu trong thời gian tới để cọ xát và tăng cường chuyên môn. Kỳ đại hội sắp tới sẽ không dễ dàng."

Đội tuyển Taekwondo giành tới 9 huy chương vàng tại SEA Games 31. (Ảnh: TTXVN)

Cùng gặp những khó khăn tương tự, đội tuyển võ Pencak Silat cũng buộc phải thay đổi hạng cân của một số vận động viên nhằm thích nghi với quy định từ nước chủ nhà.

Theo huấn luyện viên trưởng Nguyễn Văn Hùng, đội tuyển Pencak Silat khó lòng có thể trở thành "mỏ vàng" của Đoàn thể thao Việt Nam như nhiều kỳ SEA Games trước đó. Bên cạnh quy định về số lượng vận động viên tham dự các nội dung, môn Pencak Silat tại SEA Games 32 cũng có những thay đổi nhất định về luật thi đấu và tính điểm đối với các đòn đối kháng và quyền.

Vận động viên Quàng Thị Thu Nghĩa, từng giành Huy chương vàng SEA Games 32 đầy ấn tượng ở hạng cân 75 kg cho hay: "Chúng tôi nỗ lực giữ vững thành tích như năm trước. Mọi kế hoạch của đội bị thay đổi liên tục. Các vận động viên vừa gặp khó trong việc thay đổi hạng cân vừa phải làm quen với những đòn thế mới theo điều lệ."

Đối với môn Wushu, tuyển Việt Nam chỉ được tham dự 6/10 nội dung đối kháng và 10/14 nội dung quyền. Hay như ở môn Boxing, các đội tuyển tham gia chỉ được phép đăng ký 8/13 hạng cân dành cho nam, 3/5 hạng cân dành cho nữ.

Đội tuyển Pencak Silat tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 32. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trong khi đó, ngoài các môn võ thuật thế mạnh, Đoàn thể thao Việt Nam cũng vấp phải bất lợi đối với các môn võ mới từ nước chủ nhà như môn võ Kun Bokator và Kun Khmer.

Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam đã thành lập các đội tuyển gồm các vận động viên triển vọng tham dự hai môn võ mới, song không đặt nặng thành tích vì coi các môn thi đấu mới tạo nên những trải nghiệm đáng quý và trở thành cơ hội giao lữu giữa các nền võ thuật cổ truyền.

Thể dục dụng cụ chờ các nam vận động viên tỏa sáng 

Dù đã có kiến nghị từ Đoàn thể thao Việt Nam, song Ban tổ chức SEA Games 32 nhiều khả năng vẫn không đưa nội dung dành cho nữ vào môn thể dục dụng cụ. Bởi vậy, nhưng gương mặt nổi tiếng của Việt Nam như Nguyễn Thị Quỳnh Như, Phạm Như Phương và Nguyễn Hà My gần như không có cơ hội tranh tài.

Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam sẽ trông chờ vào sự tỏa sáng của các vận động viên nam như Phương Thành, Thanh Tùng để có thể hoàn thành chỉ tiêu giành từ 3 huy chương vàng trở lên.

Huấn luyện viên trưởng Trương Minh Sang cho hay: "Thể dục dụng cụ đã phải thay đổi nhiều bài tập và kế hoạch tập huấn để dồn sức cho các vận động viên nam tranh tài. Hiện tại, đội tuyển chưa có nhiều vận động viên trẻ triển vọng có thể kế cận đàn anh trụ cột nên gặp khó khi chỉ được cạnh tranh các nội dung dành cho nam."

Môn thể dục dụng cụ nằm trong số những môn thế mạnh của Đoàn thể thao Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo huấn luyện viên Trương Minh Sang, việc chỉ tập trung tối đa vào nội dung nam khiến các vận động viên có thể gặp quá tải trong tập luyện vì không chỉ hướng đến SEA Games 32, thay vào đó còn mục tiêu Olympic và ASIAD trong năm 2023.

Chính vì vậy, đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam phải đưa ra tính toán phù hợp cho việc phân bố thể trạng, điểm rơi phong độ tùy vào các giải đấu quan trọng. Bên cạnh đó, toàn đội cũng sẵn sàng chuẩn bị cho mọi phương án có thể xảy ra nếu Ban tổ chức SEA Games 32 thay đổi và cho phép các nữ vận động viên tranh tài./.

Hiển Nguyễn (Vietnam+)