"Sẽ yêu cầu nền tảng mạng xã hội phải thỏa thuận với các cơ quan báo chí"
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Chính phủ đang xem xét các quy định mới, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải thỏa thuận với các cơ quan báo chí.
Ngày 12/11, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn về vấn đề quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chiến lược và giải pháp cụ thể để các cơ quan báo chí duy trì chất lượng, sự trung thực trong thông tin, hạn chế lệ thuộc vào quảng cáo nhưng vẫn đảm bảo tài chính ổn định, phát triển bền vững?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết có tình trạng doanh nghiệp sử dụng phương thức hỗ trợ truyền thông tác động vào cơ quan báo chí để thông tin theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phát hiện, rà soát, đánh giá, xử lý; đồng thời ban hành một số quy định về bảo hộ truyền thông giữa doanh nghiệp và cơ quan báo chí để thực hiện đúng, tránh lợi dụng thông tin.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chất vấn: Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông xác định một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là do trách nhiệm của một số bộ, ngành chưa bổ sung trách nhiệm quản lý nội dung quảng cáo lĩnh vực chuyên ngành trên không gian mạng.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng thông tin cụ thể về những bộ, ngành này và trách nhiệm của Bộ trưởng, của Chính phủ để khắc phục tồn tại, hạn chế trên.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Không gian mạng có nhiều tương đồng với không gian thực. Nếu trong không gian thực có sự quản lý của các bộ, ngành, địa phương, thì trên không gian mạng cũng cần có sự vào cuộc: “Chỉ khi nào việc của nhà nào, nhà đó thực hiện, ai làm gì trong thế giới thực, thì lên đó thực hiện công tác quản lý ở không gian mạng, thì không gian mạng mới lành mạnh được.”
Tham gia chất vấn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết có cần sự hợp tác giữa báo chí và các nhà mạng xã hội trong quan hệ kinh tế, quảng cáo theo hướng cùng chia sẻ lợi ích hay không? Nếu có thì cần hành lang pháp lý như nào để thực hiện hiệu quả mối quan hệ này?
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, hầu hết các cơ quan báo chí đều có tài khoản và trang trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận độc giả.
Theo Bộ trưởng, hiện có ý kiến đề xuất cho phép các cơ quan báo chí đăng tải thông tin trước trên mạng xã hội, thay vì chỉ được phép sau khi đăng trên phương tiện truyền thông chính. Chính phủ đang xem xét các quy định mới, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải thỏa thuận với các cơ quan báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn ví dụ tại Australia có quy định yêu cầu chia sẻ doanh thu về vấn đề này, nếu không đàm phán được doanh số thì cơ quan Nhà nước sẽ vào cuộc. Bộ trưởng cho rằng cơ quan báo chí nên coi các nền tảng mạng xã hội là đối tượng hợp tác nhiều hơn là đối tượng cạnh tranh, nếu thực hiện được thì đây là một hướng đi rất tốt.
Liên quan đến tiến độ thực hiện đề xuất cấm quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi có thông tin chính thức từ Bộ Y tế đây là những sản phẩm cấm quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới rà quét và không quảng cáo các sản phẩm này, đồng thời phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Về tình trạng các cơ sở y tế tư nhân, trong đó đáng lưu ý là các cơ sở có yếu tố nước ngoài quảng cáo quá mức, thậm chí có bác sỹ gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Bộ Y tế là cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ xác định cụ thể cơ sở y tế hành nghề tư nhân, phòng khám vi phạm.
Trên cơ sở kết luận của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cung cấp các thông tin về chủ thể, xác định những người thực hiện quảng cáo sai phạm trên mạng và giao cho Bộ Y tế để xử lý. Đối với trường hợp không xác định được danh tính, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức ngăn chặn.
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã tham gia trả lời, làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội./.