Sẽ cưỡng chế thu hồi đất cho Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi

Việc tiến hành cưỡng chế thu hồi đất cho Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi dự kiến sẽ được tiến hành trong tháng cuối năm nay nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010 với tổng mức đầu tư gần 888 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 14 năm triển khai, dự án vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng do nhiều hộ dân không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định để bàn giao đất cho chủ đầu thi công.

Trước sức ép về tiến độ theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (dự án chỉ được thực hiện đến hết năm 2024), Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.

Việc tiến hành cưỡng chế dự kiến trong tháng cuối năm nay.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết Quốc lộ 1A là tuyến đường giao thông trọng điểm và huyết mạch của huyện Thanh Trì và thành phố Hà Nội.

Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi hoàn thành góp phần khớp nối đồng bộ hệ thống giao thông của thành phố với các tỉnh, thành phía Nam, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nâng cao năng lực phục vụ của tuyến đường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng trọng điểm phía Nam; đồng thời tạo đà phát triển để huyện Thanh Trì hoàn thành đề án xây dựng huyện thành quận, các xã thành phường đến năm 2025.

Theo quy hoạch, phần đường nâng cấp, cải tạo có chiều dài 3,8 km, qua địa bàn 4 xã (Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi và Liên Ninh) của huyện Thanh Trì. Mặt cắt ngang đường sẽ được mở rộng lên 50,39-56m, đáp ứng 8-10 làn xe.

Để thực hiện dự án, năm 2012-2013, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội với diện tích 92.674,65 m2, gồm 90.077m2 mặt đường, đất lưu không đường và 2.597,65m2 đất của các hộ dân. Phần diện tích này đã được đầu tư xong và đưa vào sử dụng.

Phần diện tích đất còn lại (93.072,35m2 đất, tương ứng với 806 phương án đất và công trình trên đất của 806 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức) thuộc địa bàn 4 xã: Tứ Hiệp (4.586,45m2 tương ứng với 49 phương án), Ngũ Hiệp (18.127,7m2, tương ứng 278 phương án), Ngọc Hồi (46.380,2m2, tương ứng 179 phương án), Liên Ninh (23.978m2, tương ứng 300 phương án).

Theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, nguyên nhân khiến quá trình thực hiện dự án kéo dài nhiều năm là do việc xác định nguồn gốc đất của 4 xã trên gặp nhiều khó khăn, việc quản lý hồ sơ địa chính đối với toàn bộ khu đất dọc đường Quốc lộ 1A các xã cập nhật không đầy đủ; nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân phức tạp như đất được giao không đúng thẩm quyền (có giấy tờ và không có giấy tờ), đất lấn chiếm, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua nhiều chủ sử dụng.

Trên cơ sở xác định nguồn gốc đất của các xã, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện đã hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ; song, nhiều hộ dân không đồng ý với phương án do Ủy ban Nhân dân huyện phê duyệt, gửi đơn đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện và thành phố xem xét, giải quyết.

Sau khi được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải quyết những vướng mắc của dự án, Ủy ban Nhân dân huyện điều chỉnh các phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức theo quy định và theo các văn bản: Kết luận số 3443/KL-TTTP (P4) ngày 26/7/2019 của Thanh tra thành phố; văn bản số 10355/VP-GPMB ngày 27/11/2020 của Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì đã phê duyệt xong toàn bộ 806 phương án và tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức theo quy định. Trong số đó, 718 trường hợp đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng; còn 88 trường hợp chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.

"Đây là một trong nguyên nhân chính dẫn đến kết quả giải ngân vốn chậm. Xác định nhiệm vụ giải phóng mặt bằng rất lớn, trên địa bàn huyện còn nhiều dự án sẽ thực hiện trong thời gian tới, vì vậy, các đơn vị chức năng phải quyết liệt và quyết tâm hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án Quốc lộ 1A trong năm 2024", Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong chỉ đạo.

Tại cuộc họp triển khai phương án tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại, thuyết phục và cưỡng chế thu hồi đất phục vụ thi công dự án, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong khẳng định huyện thực hiện giải phóng mặt bằng trên tinh thần có lợi cho nhân dân nhưng đảm bảo quyết liệt và hiệu quả.

Biện pháp hành chính (cưỡng chế) là biện pháp cuối cùng buộc huyện phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ công tác phải rà soát kỹ lưỡng các hộ gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân trước khi thực hiện cưỡng chế (đối với những hộ chưa di dời).

Đặc biệt, lực lượng cưỡng chế cần nêu cao cảnh giác đối với các đối tượng gây mất an ninh, cản trở việc thu hồi, đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

"Chúng ta sẽ vận động nhân dân cho đến phút cuối cùng, kể cả khi đã đọc lệnh cưỡng chế mà người dân đồng ý trả mặt bằng thì phải để người dân tự bàn giao," lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì nhấn mạnh./.