Sẽ cưỡng chế nếu chây ì trong giải phóng mặt bằng Cao tốc Bắc-Nam

Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương phải quyết liệt trong thực hiện giải phóng mặt bằng Cao tốc Bắc-Nam, kiên quyết cưỡng chế đối với trường hợp chây ì.

Thi công trên tuyến cao tốc Chí Thạnh-Vân Phong thuộc địa bàn thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Dự án Cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài khoảng 91,77 km gồm 2 dự án thành phần gồm đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh và đoạn Chí Thạnh-Vân Phong.

Mặc dù, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án thành phần Cao tốc đường bộ Bắc-Nam nhưng đến nay vẫn còn một số hộ dân chưa chấp nhận các phương án đền bù tái định cư.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương phải quyết liệt trong thực hiện giải phóng mặt bằng, kiên quyết cưỡng chế đối với trường hợp chây ì.

Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có dự án thành phần đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh đi qua địa bàn 5 xã (gồm xã Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Lâm, Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2), với tổng chiều dài khoảng 34 km, ảnh hưởng 1.079 hộ, 1.769 mộ, 102 nhà.

Với sự đồng thuận ủng hộ của người dân, việc giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành tại các xã Xuân Bình, Xuân Lâm, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2. Riêng tại xã Xuân Lộc còn hơn 20 trường hợp chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai dự án.

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu cho biết, sau khi người dân bàn giao mặt bằng, mọi vấn đề thắc mắc, khiếu nại vẫn được cơ quan chức năng của Nhà nước thụ lý giải quyết theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Trường hợp đã tổ chức đối thoại nhiều lần nhưng người dân vẫn không đồng ý bàn giao mặt bằng thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định pháp luật; chi phí cưỡng chế do cá nhân bị cưỡng chế chịu trách nhiệm theo quy định tại Quyết định 39/2021/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên.

Cao tốc Quy Nhơn-Chí Thạnh đi qua 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu đã ban hành 22 quyết định cưỡng chế; trong đó, có 9 trường hợp đồng ý bàn giao mặt bằng không thực hiện cưỡng chế, còn 13 trường hợp chưa tự giác bàn giao mặt bằng, Ủy ban Nhân dân thị xã sẽ triển khai công tác cưỡng chế trong thời gian tới.

Tính đến cuối tháng 3/2024, tỉnh Phú Yên đã bàn giao cho các chủ đầu tư 88,9/90,12 km, đạt 98,65% (trong tháng 3/2024, thị xã Sông Cầu và huyện Tây Hòa bàn giao hơn 1 km).

Khối lượng còn lại phải phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng khoảng 1,35% (tương ứng với 1,22km) và 119 hộ chưa phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng và chưa hoàn thành giao đất tái định cư cho 147 hộ thuộc diện phải di dời nhà ở và 19 vị trí vướng đường dây tải điện.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên (cơ quan thường trực thực hiện việc giải phóng mặt bằng), việc di dời hạ tầng kỹ thuật (đường dây điện) gặp nhiều khó khăn.

Tháng 12/2023, các địa phương mới có kết quả chỉ định nhà thầu thi công di dời; một số vật tư điện đặt hàng từ nước ngoài về chậm. Trong quá trình triển khai thi công có sự thay đổi vật tư, thiết bị điện cần phải xin ý kiến chấp thuận của đơn vị quản lý đường dây tải điện; điều chỉnh hướng tuyến 220kV đối với 6 trụ (đã trình Cục Năng lượng và tái tạo-Bộ Công Thương để thẩm định lại).

Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo quyết liệt bàn giao khối lượng mặt bằng còn lại và cam kết hoàn thành theo các mốc thời gian: chậm nhất đến ngày 20/4/2024 phải cưỡng chế bàn giao mặt bằng đối với các trường hợp không chấp hành phương án giải phóng mặt bằng đã phê duyệt. Đối với di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật: cam kết hoàn thành toàn bộ giải phóng mặt bằng, thi công hố móng và dựng trụ đường dây tải điện trong tháng 4/2024./.