SCO cam kết thúc đẩy quản trị kinh tế và hệ thống thương mại toàn cầu

Các nước thành viên SCO ủng hộ cải thiện và cải cách cấu trúc quản trị kinh tế toàn cầu, cam kết bảo vệ và củng cố hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, công bằng, toàn diện và không phân biệt.

Cảng container Ningbo ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 26/10, các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) khẳng định sẽ cùng phối hợp các nỗ lực để thúc đẩy quản trị kinh tế toàn cầu và hệ thống thương mại đa phương.

Cụ thể, nội dung tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị lần thứ 22 của Hội đồng những người đứng đầu Chính phủ các nước thành viên SCO tại Bishkek (Kyrgyzstan) nêu rõ các nước thành viên ủng hộ cải thiện và cải cách cấu trúc quản trị kinh tế toàn cầu.

Các nước thành viên cũng cam kết bảo vệ và củng cố hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, công bằng, toàn diện và không phân biệt dựa trên những nguyên tắc và các quy định quốc tế được công nhận rộng rãi, thúc đẩy phát triển một nền kinh tế toàn cầu mở.

Theo tuyên bố, hệ thống thương mại như vậy sẽ đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận thị trường, các nước đang phát triển được ưu đãi phù hợp và phản đối những hành động mang tính bảo hộ, hạn chế thương mại có thể làm suy yếu hệ thống thương mại và đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

[Belarus đề xuất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh giữa BRICS, EAEU và SCO]

Tất cả các bên nhất trí tiếp tục tham vấn thành lập Ngân hàng Phát triển SCO và Quỹ Phát triển SCO.

Các trưởng đoàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án nhằm giải phóng toàn bộ tiềm năng đầu tư của tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi xây dựng các hành lang kinh tế quan trọng và thành lập Ngân hàng Phát triển SCO.

Thủ tướng Trung Quốc đưa ra 4 đề xuất để tăng cường hợp tác SCO gồm: Cùng xây dựng hàng rào an ninh khu vực vững chắc, kiên quyết chống lại sự can thiệp từ bên ngoài, cải thiện cơ chế của tổ chức để ứng phó với các mối đe dọa và thách thức an ninh, trấn áp tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; cùng thúc đẩy phục hồi kinh tế, hợp tác xây dựng hệ thống giao thông an toàn và hiệu quả; cùng thúc đẩy xây dựng, tăng cường kết nối trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường,” xây dựng các hành lang kinh tế quan trọng và thành lập Ngân hàng Phát triển SCO; cùng thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, không ngừng làm sâu sắc hơn hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, du lịch, thể thao.

Bên cạnh tuyên bố chung, tại hội nghị, các bên đã thông qua một số văn kiện, nghị quyết hợp tác của SCO về kinh tế, thương mại, đường sắt và xây dựng cơ chế.

SCO là tổ chức chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng Trung Á và cũng là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới về phạm vi địa lý và dân số (chiếm tới 40% dân số thế giới và 28% tổng GDP toàn cầu).

Tổ chức này được thành lập năm 2001, trong đó Trung Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan là những thành viên đầu tiên.

Hiện SCO tạo nên thị trường khu vực lớn nhất thế giới với 8 thành viên chính thức và 3 quốc gia quan sát viên. Ấn Độ và Pakistan đã trở thành thành viên thường trực của SCO từ năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)