SBPV: Credit Suisse, UBS phải dừng mọi kế hoạch cắt giảm việc làm
Giám đốc điều hành SBPV khuyến nghị các nhà lập pháp xem xét đến các trường hợp nhân viên bị ảnh hưởng do sự sụp đổ của Credit Suisse và ngăn chặn mọi tình trạng mất việc làm cho đến cuối năm 2023.
Hiệp hội Nhân viên Ngân hàng Thụy Sỹ (SBPV) ngày 11/4 đã gửi một bức thư cho Quốc hội, nêu rõ ngân hàng Credit Suisse và UBS phải dừng mọi kế hoạch cắt giảm việc làm đã lên kế hoạch trong thỏa thuận sáp nhập khẩn cấp.
Giám đốc điều hành SBPV Natalia Ferrara khuyến nghị các nhà lập pháp xem xét đến các trường hợp nhân viên bị ảnh hưởng do sự sụp đổ của Credit Suisse và ngăn chặn mọi tình trạng mất việc làm cho đến cuối năm 2023.
Quốc hội Thụy Sỹ sẽ họp bất thường trong ngày 11/4 để thảo luận về việc giải cứu Credit Suisse diễn ra trong tháng trước.
Ngân hàng UBS đã đồng ý mua đối thủ Credit Suisse với giá 3 tỷ franc Thụy Sỹ (3,31 tỷ USD) trong một thỏa thuận do chính phủ, ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý thị trường đưa ra nhằm tránh một cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính đất nước.
Ông Ferrara nói rằng các nhân viên của Credit Suisse (khoảng 17.000 nhân viên) và UBS (khoảng 22.000 người) đều đang cảm thấy bất an về tương lai của mình.
Trên quy mô toàn cầu, lực lượng lao động của Credit Suisse hiện ở mức 45.000 nhân viên, trong khi nhân viên của UBS vào khoảng 74.000 người.
Tuần trước, Giám đốc điều hành UBS Sergio Ermotti đã cảnh báo sẽ có "sự thay đổi và những quyết định khó khăn" phía trước sau khi thương vụ tiếp quản Credit Suisse.
Tờ báo Thụy Sỹ Tages-Anzeiger đã đưa tin rằng sau khi thương vụ sáp nhập UBS và Credit Suisse hoàn tất, lực lượng lao động của ngân hàng chung này có thể giảm 20%-30%, tương đương 11.000 việc làm bị cắt giảm ở Thụy Sỹ.
Tuy vậy, UBS cho biết còn quá sớm để suy đoán về việc cắt giảm việc làm.
Trong thỏa thuận công bố vào ngày 19/3, do Chính phủ Thụy Sĩ, Ngân hàng Trung ương và Cơ quan quản lý thị trường tài chính (FINMA) làm trung gian, UBS nhất trí mua lại ngân hàng "đối thủ" Credit Suisse với giá 3 tỷ franc (3,3 tỷ USD).
Giới truyền thông cho biết UBS đang nỗ lực hoàn tất thỏa thuận mua lại, dự kiến sớm nhất vào cuối tháng này.
Công chúng và giới chính trị gia Thụy Sĩ đã bày tỏ quan ngại về mức độ can thiệp của nhà nước trong thương vụ này, khi Chính phủ và Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ sẵn sàng "bơm" gần 260 tỷ franc Thụy Sĩ (hơn 280 tỷ USD) để hỗ trợ UBS tiếp quản Credit Suisse.
Theo kết quả một cuộc khảo sát, có tới 50% số các nhà kinh tế Thụy Sĩ được hỏi cho rằng việc để UBS tiếp quản Credit Suisse không phải là giải pháp tốt nhất, đồng thời cảnh báo sự việc này đã làm "sứt mẻ" danh tiếng của Thụy Sĩ với tư cách là một trung tâm tài chính.
[Credit Suisse phá sản có thể khiến kinh tế Thụy Sĩ sụp đổ]
Tuy được thiết kế nhằm mục tiêu góp phần đảm bảo ổn định tài chính trên toàn cầu trong giai đoạn hỗn loạn của lĩnh vực ngân hàng, nhưng thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse cũng làm dấy lên lo ngại về quy mô của ngân hàng mới được sáp nhập, với tổng tài sản lên tới 1.600 tỷ USD và 120.000 nhân viên toàn cầu.
Tuần báo SonntagsZeitung của Thụy Sĩ ngày 2/4 đưa tin việc sáp nhập giữa ngân hàng UBS và Credit Suisse có thể khiến 36.000 việc làm "bốc hơi" trên toàn thế giới.
Báo trên dẫn các nguồn tin nội bộ giấu tên cho biết ban quản lý đang cân nhắc cắt giảm khoảng 20-30% lực lượng lao động, tương đương khoảng 25.000-36.000 việc làm.
Theo SonntagsZeitung, riêng tại Thụy Sĩ, có tới 11.000 người có thể bị mất việc làm. Trước khi hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ nói trên sáp nhập, UBS tuyển dụng khoảng 72.000 người, trong khi Credit Suisse tuyển dụng khoảng 50.000 người.
Trong khi đó, Chính phủ Thụy Sĩ ngày 6/4 thông báo sẽ loại bỏ các khoản tiền thưởng chưa thanh toán của Ban điều hành Credit Suisse sau khi ngân hàng này sụp đổ và hiện do đối thủ UBS tiếp quản quản lý.
Lý giải quyết định này, Chính phủ Thụy Sĩ nêu rõ cuộc khủng hoảng của ngân hàng 167 năm tuổi này là có "trách nhiệm" của các nhà quản lý cấp cao nhất. Do đó, tất cả các khoản tiền thưởng còn tồn đọng cho đến cuối năm 2022 sẽ bị hủy bỏ đối với cấp quản lý cao nhất (Ban điều hành) của Credit Suisse.
Ngoài ra, Chính phủ Thụy Sĩ cũng cắt giảm khoản tiền thưởng của khoảng 1.000 nhân viên thuộc các vị trí dưới một và hai cấp so với Hội đồng quản trị. Theo đó, các nhà quản lý dưới ban điều hành bị cắt giảm 50% tiền thưởng chưa thanh toán, trong khi cấp tiếp theo bị cắt giảm 25% tiền thưởng.
Ước tính những người này sẽ bị mất khoảng 50-60 triệu franc Thụy Sĩ (khoảng 55-66 triệu USD). Chính phủ Thụy Sĩ cho biết sự khác nhau trong việc cắt giảm các khoản tiền thưởng đối với các cấp này có tính đến trách nhiệm của các nhà quản lý cấp cao nhất đối với tình hình tại Credit Suisse./.