Sắp đối thoại chính sách thuế với doanh nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố
Đối thoại là một “kênh” quan trọng để ngành thuế lắng nghe tiếp thu những phản ánh từ thực tiễn về chính sách thuế hiện hành chưa hợp lý để từ đó có những kiến nghị, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Dự kiến ngày 27/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thuế sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp với người nộp thuế trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An.
Thời gian qua, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, thiên tai và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ.
Cụ thể, tập trung vào các giải pháp về gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Tổng số miễn, giảm, gia hạn 9 tháng đầu năm 2024 khoảng 102.676 tỷ đồng.
Có thể thấy, đây là thời điểm các doanh nghiệp cần “trợ lực” hơn bao giờ hết không chỉ từ các chính sách hỗ trợ mà còn từ việc ngành thuế thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý thuế, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp.
Do đó, để các giải pháp có hiệu quả hơn nữa, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị đối thoại lần này với mục đích là lắng nghe, giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định, chính sách pháp luật thuế của các doanh nghiệp và người nộp thuế.
Bên cạnh đó, đây cũng là một “kênh” quan trọng để ngành thuế lắng nghe tiếp thu những phản ánh từ thực tiễn về chính sách thuế hiện hành chưa hợp lý để từ đó có những kiến nghị, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Hội nghị đối thoại lần này sẽ tập trung vào các nội dung chính bao gồm các nhóm vấn đề về hóa đơn, chứng từ; chính sách thuế giá trị gia tăng (gồm cả hoàn thuế); thuế thu nhập doanh nghiệp (gồm cả thuế nhà thầu); thuế thu nhập cá nhân; các ưu đãi miễn giảm, các khoản thu từ đất...
Để chuẩn bị tốt cho hội nghị đối thoại, Tổng cục Thuế đã có Thư ngỏ đề nghị doanh nghiệp, người nộp thuế có vướng mắc, kiến nghị trong việc thực hiện chính sách thuế, quản lý thuế và thủ tục hành chính thuế thì gửi về các cục thuế địa phương là Thành phố Hồ Chí MinhP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, hoặc gửi vướng mắc trực tiếp về Tổng cục Thuế để đạt kết quả cao.
Để lan tỏa tinh thần cởi mở, cầu thị và quyết liệt chỉ đạo xử lý vướng mắc của doanh nghiệp và người nộp thuế, ngoài việc đối thoại trực tiếp đối với doanh nghiệp thuộc 5 địa phương phía Nam, Tổng cục Thuế cũng kết nối online trực tuyến tới toàn bộ 63 Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước để các Cục Thuế cũng nắm bắt kịp thời tinh thần xử lý, hướng dẫn giải đáp các vướng mắc… để nghiên cứu, áp dụng thống nhất trong quản lý và giải quyết các vướng mắc tương tự của các doanh nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người nộp thuế.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng quyết liệt chỉ đạo, các đơn vị trong ngành khẩn trương triển khai tổng hợp vướng mắc, kiến nghị về chính sách thuế, quản lý thuế và thủ tục hành chính thuế từ người nộp thuế. Đặc biệt, chuẩn bị trang thiết bị, cơ sở vật chất để đón tiếp doanh nghiệp, người nộp thuế tham dự hội nghị.
Là một trong những doanh nghiệpsẽ tham gia hội nghị đối thoại lần này, đại diện một doanh nghiệp tại Đồng Nai cho biết, thời gian qua, các chính sách thuế đã có nhiều đổi mới theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; trong đó có cả các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh.
Việc kê khai và nộp thuế qua mạng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí, thậm chí doanh nghiệp không còn phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ quản lý thuế, qua đó hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.
Cùng với đó, ngành thuế đã quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức các hội nghị doanh nghiệp theo chuyên đề, thu hút đúng đối tượng doanh nghiệp đến tham gia, tập trung đi vào các vấn đề thời sự mà doanh nghiệp quan tâm, xoá bỏ hàng rào ngăn cách vô hình giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, giúp hai bên thấu hiểu nhau hơn.
Cùng với đó, các thông tin liên quan đến trả lời vướng mắc cũng liên tục được cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Cục Thuế.
Tuy nhiên, do yêu cầu của tình hình sản xuất, kinh doanh và nền kinh tế cũng như tình hình thiên tai, bão lũ diễn ra ngày càng phức tạp để lại những hậu quả to lớn, vì vậy việc sửa đổi chính sách tài chính trong đó có chính sách thuế để phù hợp với yêu cầu thực tế cũng dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong nắm bắt và tra cứu thông tin.
Do vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, ngoài việc cải cách hành chính, các doanh nghiệp cho rằng, ngành thuế cần có cơ chế lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân, doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, tăng cường đối thoại, trao đổi trực tiếp, đề cao vai trò người đứng đầu các đơn vị thuế nhằm rút dần khoảng cách giữa cơ quan quản lý về thuế, hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội.
Còn theo bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc tư vấn thuế Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam cho biết, các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp là cơ hội rất tốt để Tổng cục Thuế có thể trình bày rõ hơn các chính sách thuế hiện hành cho doanh nghiệp dễ áp dụng, chia sẻ những kế hoạch và nội dung trong dự thảo các luật thuế đang được lên kế hoạch sửa đổi và lắng nghe trực tiếp các ý kiến từ người nộp đối với các vấn đề còn vướng mắc.
“Theo quan sát của chúng tôi từ những hội nghị đối thoại trong những năm vừa rồi, các doanh nghiệp đã có những phản hồi rất tích cực về kết quả của những buổi đối thoại này. Do đó, Tổng cục thuế nên thường xuyên duy trì các hoạt động này trong thời gian sắp tới," bà Ngọc nói.
Qua nắm thông tin về phản ứng trước việc Tổng cục Thuế trực tiếp tổ chức đối thoại, được biết các doanh nghiệp phía Nam cho rằng, hội nghị đối thoại lần này hy vọng sẽ là dịp để doanh nghiệp có thể cởi mở, thẳng thắng chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về thuế cũng như chia sẻ về tình hình thực tế trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó mong muốn và kỳ vọng rằng những vướng mắc sẽ được ngành thuế nghiên cứu và nhanh chóng được giải quyết.
Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, không né tránh, Tổng cục Thuế cho biết, các câu hỏi, vấn đề mà doanh nghiệp nêu ra về chính sách và thủ tục hành chính thuế của Việt Nam, Tổng cục Thuế sẽ trả lời trực tiếp, đầy đủ, thấu đáo theo hướng minh bạch, cụ thể nhất để giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư và phù hợp thông lệ, cam kết quốc tế.
Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền, Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp và báo cáo cơ quan có thẩm quyển kịp thời tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.
Qua hội nghị này, cũng như trong thời gian tới, ngành thuế cũng hy vọng sẽ tạo được sự hài lòng, nhất trí cao từ phía doanh nghiệp, đúng với mục tiêu mà ngành thuế luôn hướng tới lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, thực sự trở thành ‘đối tác tin cậy với người nộp thuế’, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thu thuế phải thu được lòng Dân”./.