Sáng tác của nhạc sỹ Hoàng Việt: Tình ca dâng cả bao người
Các tác phẩm của nhạc sỹ Hoàng Việt đa dạng về nội dung, phong phú về tiết tấu, sâu lắng về giai điệu, truyền tải tinh thần chiến đấu kiên cường và bộc lộ tâm hồn tha thiết yêu đời, yêu người.
Tối 23/9, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật Chân dung âm nhạc nhạc sỹ Hoàng Việt với chủ đề “Tình ca dâng cả bao người."
Chương trình được thực hiện để tưởng nhớ nhạc sỹ Hoàng Việt nhân dịp 95 năm ngày sinh của ông.
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố nhấn mạnh Hoàng Việt là một trong những nhạc sỹ đầu tiên ở Việt Nam được học tập chính quy, kết hợp được 2 yếu tố đối với một người sáng tác là thực tế đời sống và đào tạo bài bản.
Các tác phẩm âm nhạc của ông đa dạng về nội dung, phong phú về tiết tấu, sâu lắng, thiết tha về giai điệu, truyền tải được tinh thần chiến đấu kiên cường, đồng thời cũng bộc lộ được tâm hồn tha thiết yêu đời, yêu người.
[Hoàng Việt - nhạc sỹ của những ca khúc cách mạng trữ tình]
"Tiếng còi trong sương đêm," "Lá xanh," "Lên ngàn," "Mùa lúa chín," "Nhạc rừng," "Tình ca"... là những sáng tác của ông đã gắn bó với nhiều thế hệ, đồng hành cùng nhân dân, cùng đất nước trong suốt hành trình giữ và xây dựng đất nước, trở thành tài sản tinh thần vô giá của dân tộc.
Với thời lượng 120 phút, chương trình gồm 20 tiết mục đặc sắc được thực hiện công phu, kết nối liền mạch như một câu chuyện kể bao quát và đầy đủ về cuộc đời, lý tưởng và những đóng góp to lớn của nhạc sỹ Hoàng Việt đối với nền âm nhạc Việt Nam.
Các ca khúc nổi tiếng và quen thuộc của nhạc sỹ Hoàng Việt như “Vẳng từ quê mẹ (Tình ca 2)," “Biệt đô thành," “Lên ngàn," “Mùa lúa chín," “Nhớ quê hương," “Bài ca thanh niên miền Nam thành đồng," “Tình ca," “Đêm trăng qua đất Kiến Tường," “Ca cảnh Nhạc rừng," “Lá xanh," tiểu phẩm kịch “Ngày trở về” được trình bày bởi các nghệ sỹ nổi tiếng như Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Minh Tâm, Nghệ sỹ Ưu tú Vân Khánh, ca sỹ Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng, Quốc Đại, Duyên Huyền...
nhạc sỹ Hoàng Việt tên khai sinh là Lê Chí Trực, được biết đến với các bút danh khác là Lê Trực, Hoàng Việt Hận và Lê Quỳnh.
Ông sinh ngày 28/2/1928 tại Chợ Lớn (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) và hy sinh ngày 31/12/1967 tại bờ kênh Ả Rặt, làng Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang khi mới 39 tuổi.
Ông sáng tác từ rất sớm, rồi theo tiếng gọi của non sông, ông tham gia kháng chiến, tập kết ra Bắc, sang học tại Nhạc viện Bulgaria, tốt nghiệp loại ưu với bản giao hưởng "Quê hương" và đây cũng là bản giao hưởng đầu tiên của âm nhạc Việt Nam được trình diễn tại Bulgaria.
Trở về nước, ông tình nguyện trở về miền Nam và trong khói lửa chiến tranh, nhạc sỹ Hoàng Việt đã sống, sáng tác và chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
Với những cống hiến lớn lao đó, năm 1985, một đường của Thành phố Hồ Chí Minh được đặt tên theo tên nhạc sỹ Hoàng Việt.
Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật; năm 2011, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân./.