Sản phẩm OCOP: Định vị sản phẩm để lan tỏa các giá trị thương hiệu
Đối với các sản phẩm OCOP, để thâm nhập thị trường quốc tế cần phải có nghiên cứu một cách bài bản để nắm rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và thị hiếu của người tiêu dùng.
Với sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương và đặc biệt là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các chuỗi và các hệ thống Thương mại Điện tử, đã góp phần đưa được giá trị sản phẩm OCOP lan tỏa. Song, vấn đề hiện nay là tìm ra được hệ thống các kênh Xúc tiến Thương mại phù hợp và tạo ra được điểm nhấn đối với người tiêu dùng, từ đó sẽ bán được ở mức giá cao hơn cũngnhư có thương hiệu trên thị trường thế giới.
Đây cũng là chủ đề chính được thảo luận tại Tọa đàm: “Gia tăng kên tiêu thụ sản phẩm OCOP,” do Tạp Chí Công Thương tổ chức ngày 26/12, tại Hà Nội.
Sản phẩm OCOP đang phát triển rất nhanh
Trong thời gian qua, với nhiều giải pháp được triển khai mạnh mẽ, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất, với danh mục các sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin, đến giữa tháng 12/2023, cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP, trong đó có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao và gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao và đặc biệt là có 42 sản phẩm được chính thức Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao và còn lại là các sản phẩm có tiềm năng 5 sao.
Cũng theo chuyên gia này, điểm ấn tượng hơn đó là vấn đề chất lượng, chất lượng sản phẩm OCOP đã được nâng cao và cải thiện rất nhiều, đặc biệt là việc ứng dụng các công nghệ, đã hình thành rất nhiều những sản phẩm mới, không chỉ thuần túy dựa trên những giá trị bản địa mà thực sự đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
“Mẫu mã cũng như bao bì đã được cải thiện rõ rệt, không thuần túy là bao bì đơn giản như trước đây mà hiện nay có rất nhiều những loại bao bì hiện đại, ấn tượng và câu chuyện sản phẩm cũng đã được thể hiện. Như vậy, về mặt chất lượng, về mặt ấn tượng bao bì thì có thể thấy rất rõ,” ông Nguyễn Minh Tiến nói.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm OCOP đều đạt được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam như là ISO, HACCP, GAP và một số sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm OCOP 5 sao và tiềm năng 5 sao thì cũng đạt được những tiêu chuẩn của thị trường thế giới. Hiện nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường cả nước và đã có những sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường thế giới.
Đáng chú ý, bên cạnh những điểm phân phối truyền thống, việc xúc tiến trên hệ thống các kênh Thương mại Điện tử cũng được triển khai ngay từ sớm. Đặc biệt, cuối năm 2022 với sự ra đời của mạng xã hội gắn với Thương mại Điện tử trên nền tảng như TikTok Shop thì chương trình OCOP cũng triển khai các phiên chợ livestream trên nền tảng TikTok Shop Việt Nam.
Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, trong năm 2023 đơn vị đã triển khai được hơn 800 phiên và đã có doanh thu lên tới 100 tỷ đồng, qua đó đã góp phần đưa được giá trị sản phẩm OCOP lan tỏa.
Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (đơn vị quản lý và vận hành sàn Postmart) thông tin đến ngày hôm nay, sàn Postmart đã có khoảng hơn 8.000 sản phẩm OCOP trên sàn.
“Những sản phẩm này, đơn vị đang từng bước làm ngày càng sắc nét hơn, nghĩa là khi lên sàn có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, biết được sản phẩm này do nghệ nhân hoặc là cơ sở sản xuất nào có tiếng đang sản xuất. Ngoài ra, sàn Postmart cũng đang cố gắng làm sao đưa những các sản phẩm đến với người tiêu dùng khác để trải nghiệm trước,” ông Nguyên Thế Anh nói.
Quan tâm xây dựng thương hiệu
Hiện nay, với sự kết nối của Bộ Công Thương, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng Thương mại Điện tử, tham gia các sàn quốc tế để quảng bá, đa dạng kênh tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh rất nhiều doanh nghiệp liên quan đến Thương mại Điện tử đã tới gặp gỡ các địa phương cũng như doanh nghiệp tiềm năng để có chiến lược cũng như định hướng cụ thể trong thời gian tới, cũng như đào tạo, tập huấn cho người dân tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước, kết nối để tiêu thụ hàng hóa.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…).
Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.
Tuy vậy, để tiêu thụ thành công và khẳng định được thương hiệu cũng cần một quá trình và giải pháp đồng bộ hơn. Ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng chia sẻ, ngoài các sàn trong nước, doanh nghiệp đã bước đầu chào hàng, bán sản phẩm tại các hệ thống sàn Thương mại Điện tử quốc tế như: Alibaba.com và Amazon, song để thành công cần triển khai các hoạt động bên lề một cách chuyên nghiệp, từ hình ảnh, những câu chuyện đến sản phẩm để khách hàng có thể tiếp cận, sau đó mới có cơ hội giới thiệu được truy xuất nguồn gốc là gì, như thế nào, chất lượng ra làm sao.
“Để thâm nhập thị trường của quốc tế cũng cần phải có nghiên cứu thị trường để xem thị trường đấy họ cần tiêu chuẩn gì, bởi mỗi một quốc gia lại có tiêu chuẩn khác nhau,” đại diện Công ty Suối Giàng bày tỏ.
Nhấn mạnh thêm nội dung này, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, để làm Xúc tiến Thương mại, phải hiểu được bản chất của sản phẩm OCOP. Đơn cử với mặt hàng trà, công nghệ chế biến trước đây thong thường chỉ phù hợp với thị trường trong nước, nhưng khi đưa ra thị trường thế giới thì phải có sự điều chỉnh, phù hợp với xu hướng và nhu cầu. Do vậy, phải định vị được sản phẩm phù hợp với thị trường nào để từ đó sẽ có các kênh tiêu thụ và Xúc tiến Thương mại phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Tiến khuyến nghị các chủ thể phải quan tâm hơn nữa trong vấn đề xây dựng thương hiệu, khẳng định rõ thương hiệu của mình gắn với truy xuất nguồn gốc cũng như các tiêu chuẩn, chứng chỉ đã được đáp ứng.
“Với câu chuyện thành công của của gạo Việt Nam trong năm 2022 và 2023 cho thấy, vấn đề thương hiệu hết sức quan trọng, chúng ta không thể thuần túy bán sản phẩm mà nó thiếu những nhãn mác, thiếu những kiểm chứng và thiếu những chương trình nhận diện thương hiệu,” ông Nguyễn Minh Tiến nói.
Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam lại nhấn mạnh đến một thách thức đó là sản lượng, nghĩa là các sản phẩm OCOP khi được khách hàng tin dùng thì khi có nhu cầu lớn thì thường lại không đáp ứng được. Điều này do tập quán sản xuất, do quy mô sản xuất vẫn còn hạn chế nên rất nhiều sản phẩm đã bán rất tốt nhưng người dân lại không còn sản phẩm để bán.
Ngoài ra, đối với các sản phẩm tươi, các sản phẩm sống và đã được dán mã, dán nhãn OCOP vấn đề vận chuyển đến tay người tiêu dùng cũng là một thách thức đối với sàn Thương mại Điện tử.
Do đó, đơn vị này khẳng định, sẽ tập trung hỗ trợ bà con nông dân trong vấn đề sơ loại, phân loại, hỗ trợ đóng gói để khi đưa vào hệ thống vẫn đảm bảo về mặt thời gian cũng như chất lượng tốt nhất, qua đó góp phần nâng tầm giá trị của các sản phẩm OCOP./.