Sách mới của Nguyễn Một: Nơi chiến tranh xé nát số phận con người

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" là cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Nguyễn Một, đưa ra cái nhìn hiện thực về cuộc chiến tại Việt Nam, qua đó gửi gắm thông điệp lên án chiến tranh.

(Từ trái sang) Nhà văn Di Li, nhà văn Nguyễn Một và nhà báo Yên Ba tại buổi ra mắt sách. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Với tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín,” nhà văn Nguyễn Một lại đưa người đọc ngược dòng thời gian, quay trở lại một thời kỳ quá vãng của lịch sử, nơi mà tình yêu, ước mơ, thân phận của con người bị chiến tranh xé nát.

Đó là nhận định của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong buổi lễ ra mắt sách ngày 18/6 tại Hà Nội.

“Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là câu chuyện chân thực về cuộc tình của một chàng trai nông thôn đem lòng yêu một cô gái vùng ven phố thị. Tình yêu của họ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đang giai đoạn rực lửa.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ tại lễ ra mắt sách. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tuy nhiên, đây không phải là một tiểu thuyết diễm tình, bởi xung quanh mối tình này còn chằng néo hàng loạt mối quan hệ với những nhân vật, những con người mang thân phận khác nhau, bao trùm lên số phận mỗi nhân vật là vận mệnh của đất nước khi đang bị chia cắt bởi cuộc chiến lịch sử.

[Biên bản chiến tranh và biên bản tình yêu - Hành trình một đời người]

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Một tạm rời phong cách huyền ảo quen thuộc của những cuốn tiểu thuyết trước để đào sâu “mảnh đất hiện thực” bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính tác giả. Do đó, người đọc có cảm giác như chính mình đang ở trong cuộc chiến, trực tiếp chịu đựng nó và tìm cách thoát ra khỏi nó.

Tiểu thuyết do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Giá bìa 198.000 đồng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Nhà văn đã thành công trong việc xây dựng hệ thống nhân vật đa dạng, có người dân bình thường, có người có vị trí trong xã hội, họ đều bị dày vò trong chiến tranh. Ở đó, những giấc mơ dừng lại, những số phận thay đổi. Cuộc chiến xé nát tất cả,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác phẩm này không nhằm mục đích khơi lại thù hận hay đau thương. Tác giả không lên án người Mỹ, hay bất cứ một kẻ địch nào, ông chỉ ra bản chất kinh hoàng của chiến tranh, lên án con quái vật chiến tranh để từ đó cất lên tiếng nói ngăn chặn những cuộc chiến có thể xảy ra trong tương lai.

Chia sẻ về nhan đề tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Một cho hay ông đề cập đến khoảnh khắc Chúa Jesus bị đóng đinh và rời bỏ thế gian, đó là thời kỳ tăm tối, con người chém giết lẫn nhau.

"Chiến tranh ám ảnh tôi bởi cha mẹ tôi đều là những người dân thường bị giết hại trong chiến tranh. Do đó, tác phẩm này mang màu sắc hiện thực như một hồi ký, là câu chuyện thật cuộc đời của tôi. Tôi đưa vào tác phẩm màu sắc Thiên Chúa giáo bởi tôi rất tâm đắc với tinh thần tha thứ, khoan dung của tôn giáo này," nhà văn chia sẻ./.

Minh Thu (Vietnam+)