Rộn ràng "Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam" trong tháng Tư
Trong tháng 4, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động với sự tham gia của các dân tộc Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao (tỉnh Cao Bằng) cùng các dân tộc đang sinh sống tại Làng.
"Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam" là chủ đề các hoạt động diễn ra trong tháng 4/2024 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, hưởng ứng tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).
Các hoạt động góp phần quảng bá, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào, thu hút du khách dịp nghỉ lễ, hình thành điểm đến tại Làng.
Đặc biệt, dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng và Quốc tế Lao động 30/4-01/5 với chủ đề "Ngày hội non sông thống nhất" sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc. Hấp dẫn nhất là tái hiện chợ phiên vùng cao chủ đề "Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng."
Tại đây tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc với không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng. Du khách được đi chợ vùng cao, thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian.
Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, vui chơi gắn với dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, sản vật của đồng bào Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao (Cao Bằng)... Ngoài không gian chợ còn có phần giới thiệu 80 bức ảnh về sắc màu văn hóa vùng cao được trưng bày dọc tuyến đường vào chợ.
Độc đáo, thu hút du khách là chương trình dân ca dân vũ "Sắc màu chợ phiên" và trò chơi dân gian. Đồng bào sẽ biểu diễn các tiết mục mừng đất nước, ca ngợi quê hương, bản sắc dân tộc vùng, miền, tạo không khí vui tươi phấn khởi, thể hiện văn hóa độc đáo trong đa dạng.
Đồng bào Mông của tỉnh Cao Bằng sẽ giới thiệu đến công chúng nghệ thuật khèn độc đáo. Khèn là biểu trưng văn hóa của đồng bào Mông và là phương tiện kết nối cộng đồng. Kỹ thuật, động tác múa khèn đa dạng và có nhiều bài, hình thức thể hiện, có thể chơi một mình hoặc đồng diễn. Người chơi khèn vừa thổi vừa múa khèn là động tác khó nhất. Múa khèn của đồng bào Mông có nhiều bài ở nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như gọi bạn, tỏ tình...
Đồng bào Dao (Dao Tiền) giới thiệu đến công chúng nghề thủ công truyền thống in hoa văn sáp ong trên vải. Đây là công việc do người phụ nữ thực hiện. Quy trình in sáp ong đòi hỏi rất khắt khe, trong đó sáp ong được đun chảy cùng với kỹ thuật của người phụ nữ Dao tỉ mẩn, khéo léo tạo nên những họa tiết, hoa văn tinh xảo. Hoa văn trên vải góp phần tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, giản dị của phụ nữ Dao.
Cho đến nay, nghề in sáp ong truyền thống vẫn được người Dao ở Cao Bằng bảo tồn và duy trì.Đồng bào dân tộc Nùng mang đến nghề làm hương truyền thống - hương Phia Thắp cổ truyền.
Để làm được que hương, đồng bào vào rừng tìm hái lá cây bầu hắt, phơi khô, tán nhỏ để tạo nên chất keo dính - thành phần không thể thiếu khi làm hương. Chân hương được làm từ tre mạy mười. Cây hương sẽ được nhúng vào lớp keo lá, rồi rắc bột mùn cưa lên. Mùn này là của những cây tràm, cây mạy khảo, được chặt trước cả năm, để hóa mùn rồi mới đem trộn với trầm hương.
Hương sẽ được phơi khô tự nhiên vào ngày nắng.Còn 15 nghệ nhân đồng bào Lô Lô (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) sẽ tái hiện Lễ hội cầu mưa. Đây là nghi lễ quan trọng nhằm gắn kết cộng đồng và chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống của đồng bào.
Vào dịp cuối tuần ở Làng sẽ diễn ra nhiều chương trình dân ca dân vũ như "Rực rỡ sắc màu tự hào con cháu Rồng Tiên," "Hoa của núi" và "Tình ca Tây Nguyên."
Đồng bào Mường tỉnh Hòa Bình tái hiện tục làm vía, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ, ông bà - nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo cần được gìn giữ, phát huy.
Đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng mang tới Tết Chôl Chnăm Chmây, gửi gắm ước mơ hạnh phúc, ý thức hướng thiện, báo ân với tổ tiên, ông bà, cha mẹ./.