Rào cản và cơ hội khi doanh nghiệp Việt niêm yết ở Sàn Chứng khoán Mỹ
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ mang lại nhiều lợi ích như tăng cơ hội huy động vốn và tăng tầm nhìn quốc tế nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Để tìm hiểu về xu hướng các doanh nghiệp Việt Nam lên Sàn Chứng khoán Mỹ, những khó khăn, thuận lợi và lợi ích mang lại khi doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán hàng đầu thế giới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Vinfast) - công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup - mới đây đã thành công với việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ và ngay sau đó, Công ty Cổ phần VNG (mã chứng khoán VNZ) thông báo VNG Limited - cổ đông lớn nhất của VNZ đã chính thức nộp hồ sơ theo mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC).
VNG Limited dự kiến sẽ thực hiện IPO cổ phiếu phổ thông loại A trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch VNG. Ông có đánh giá như thế nào về việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Thị trường Chứng khoán Mỹ là một trong những thị trường có sức hấp dẫn lớn cho các công ty muốn huy động vốn trên thị trường quốc tế, tăng trưởng hoạt động kinh doanh và nâng cao vị thế thương hiệu, tuy nhiên, để đáp ứng đủ điều kiện để niêm yết lại không dễ thực hiện.
Việc Vinfast niêm yết cổ phiếu thành công trên sàn chứng khoán Mỹ và tiếp theo đó là Công ty cổ phần VNG dự kiến sẽ thực hiện IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) cổ phiếu phổ thông loại A trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch VNG trước tiên có thể coi là tín hiệu tốt, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển và dần đáp ứng được yêu cầu gắt gao để tiến vào các thị trường vốn có uy tín trên thế giới.
Việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ là cơ hội tiếp cận với nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trường hợp của Vinfast khi họ mở nhà máy ở Mỹ và cũng muốn bán xe ra thị trường này và toàn thế giới.
[Giá cổ phiếu VinFast tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên tại Mỹ]
Thị trường chứng khoán Mỹ thường được biết đến là một thị trường sôi động và là “sân chơi” của nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn trên thế giới. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia sàn chứng khoán Mỹ có thể tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp rót vốn vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nâng cao vị thế, hình ảnh, qua đó mở rộng thị trường cho chính mình và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
- Theo ông, đâu là rào cản đối với các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên Sàn Chứng khoán Mỹ?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Các doanh nghiệp Việt Nam muốn niêm yết trên Sàn Chứng khoán Mỹ sẽ phải đối mặt với một số rào cản và thách thức, đó là yêu cầu tuân thủ quy định. Sàn Chứng khoán Mỹ có nhiều quy định nghiêm ngặt liên quan đến báo cáo tài chính, quản lý rủi ro, thông tin công khai và tuân thủ pháp lý. Các doanh nghiệp phải tuân theo các tiêu chuẩn này để duy trì quyền niêm yết.
Bên cạnh đó, quá trình niêm yết và duy trì niêm yết trên sàn Mỹ đòi hỏi khả năng tài chính lớn và nguồn lực để chi trả các khoản phí niêm yết, phí kiểm toán, chi phí tuân thủ và tài liệu thông tin công khai.
Các doanh nghiệp cũng cần phải có kiểm toán tài chính nghiêm ngặt và chuẩn bị tài liệu chi tiết và minh bạch về tình hình tài chính của họ để làm cho nhà đầu tư tin tưởng.
Quá trình niêm yết còn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho quá trình chuẩn bị tài liệu, tương tác với cơ quan quản lý và thực hiện các bước cần thiết để niêm yết.
Các doanh nghiệp cần phải đảm bảo rằng cổ phiếu của họ có đủ thanh khoản trên thị trường Mỹ. Sự thiếu thanh khoản có thể dẫn đến việc giá cổ phiếu bị biến động mạnh, gây khó khăn cho các nhà đầu tư và người dùng.
Doanh nghiệp cần phải đảm bảo rằng họ đáp ứng được các yêu cầu pháp lý và hồ sơ niêm yết, bao gồm việc chuẩn bị các báo cáo tài chính và thông tin về doanh nghiệp.
Sự chênh lệch về văn hóa kinh doanh, quản lý và thị trường giữa Việt Nam và Mỹ có thể tạo ra khó khăn trong việc tương tác với nhà đầu tư và các chuyên gia tài chính.
Các rủi ro chính trị, kinh tế và tài chính có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và giá cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường Mỹ.
Việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ mang lại nhiều lợi ích như tăng cơ hội huy động vốn và tăng tầm nhìn quốc tế nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và vượt qua các rào cản kỹ thuật, tài chính và pháp lý.
- VNG hiện đang giao dịch cổ phiếu trên UPCOM với mã VNZ, vậy khi niêm yết trên Sàn Chứng khoán Mỹ thì cổ phiếu VNZ sẽ xử lý như nào thưa ông?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trong trường hợp "kỳ lân" công nghệ VNG đạt đủ điều kiện và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ thì VNG vẫn có thể tiếp tục giao dịch trên UPCOM với mã VNZ. Trường hợp này thường được gọi là niêm yết chéo.
Niêm yết chéo ở đây được hiểu là hoạt động một doanh nghiệp thực hiện niêm yết chứng khoán trên một thị trường chứng khoán nước ngoài sau khi đã thực hiện niêm yết chứng khoán lần đầu tại thị trường chứng khoán trong nước (hoặc một thị trường chứng khoán khác).
Như vậy, VNG có thể giao dịch đồng thời trên UPCOM và Sàn Chứng khoán Mỹ. Khi đó, quá trình quản lý và hoạt động của công ty đối với cổ phiếu VNZ sẽ trải qua một loạt thay đổi quan trọng để thích nghi với cả hai thị trường. Công ty sẽ cần phải thực hiện những biện pháp xử lý cụ thể để đảm bảo sự tuân thủ quy định, tối ưu hóa giá trị và duy trì sự tin tưởng từ phía cổ đông và nhà đầu tư.
Một trong những yếu tố chính là việc duy trì thông tin liên quan đến tình hình kinh doanh và phát triển của công ty. Với việc giao dịch cổ phiếu VNZ trên cả hai thị trường, công ty cần phải tiếp tục cung cấp thông tin công khai định kỳ và chi tiết về hoạt động kinh doanh, tài chính, chiến lược, và các thay đổi quan trọng khác. Điều này giúp cổ đông và nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện về tình hình của công ty và tạo sự minh bạch.
Công ty cũng cần xem xét cách quản lý thời gian mở cửa và đóng cửa của cả hai sàn chứng khoán. Sự chênh lệch múi giờ có thể ảnh hưởng đến việc giao dịch và thông tin công khai. Việc tương tác và giao tiếp hiệu quả với cổ đông, nhà đầu tư, và cơ quan quản lý trở thành vô cùng quan trọng để đảm bảo rằng thông tin được truyền đạt một cách đúng lúc và đầy đủ.
Bên cạnh đó, công ty cần quản lý rủi ro liên quan đến các thay đổi trong môi trường kinh doanh, pháp luật và chính trị ở cả hai quốc gia. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và giá trị cổ phiếu VNZ.
- Trân trọng cảm ơn ông./.