Quyết liệt tháo gỡ khó khăn để có đủ thuốc cho người bệnh

Vụ trưởng Bảo hiểm y tế cho biết thời gian qua, Bộ Y tế chỉ đạo rất quyết liệt để có đủ thuốc cho người bệnh và tháo gỡ các vấn đề về thể chế, công tác tổ chức thực hiện trong mua sắm, đấu thầu thuốc.

Người dân xếp hàng chờ mua thuốc tại Bệnh viện Mắt Trung ương. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Chiều 17/6, tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí thông tin về công tác y tế quý 2 năm nay, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho biết trong thời gian vừa qua, Bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt để có đủ thuốc cho người bệnh và tháo gỡ các vấn đề về thể chế, công tác tổ chức thực hiện trong mua sắm, đấu thầu thuốc.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế chia sẻ: “Trước hết, chúng ta có thể thấy Bộ Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc ban hành các thông tư, hướng dẫn Luật Khám bệnh chữa bệnh để có các nền tảng triển khai công tác khám bệnh chữa bệnh và nâng cao chất lượng của các cơ sở y tế, nhằm bảo đảm cung ứng dịch vụ khám bệnh chữa bệnh đầy đủ và chất lượng cho người bệnh."

Trong công tác tháo gỡ mua sắm, đấu thầu, trong tổ chức triển khai thực hiện cũng như trong xây dựng thể chế, đặc biệt là hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu, cho đến nay, Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ thông tư, hướng dẫn Luật Đấu thầu, trong đó có Thông tư 04/2024/TT-BYT, Thông tư 05/2024/TT-BYT và Thông tư 07/2024/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập vừa được ban hành.

“Và ngay trong sáng nay (17/6), Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận đã ký ban hành Thông tư 3314 hướng dẫn tất cả các sở y tế tỉnh, thành phố và các bệnh viện trên toàn quốc về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế, nhằm bảo đảm đủ thuốc cho người bệnh và thực hiện các quy định của Luật Đấu thầu,” Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Trần Thị Trang cho biết.

Có thể khẳng định rằng các giải pháp chỉ đạo, triển khai quyết liệt đã đảm bảo đủ thuốc tại các cơ sở y tế cho người bệnh. Rất nhiều gói thầu đã trúng thầu thành công và đã được mở thầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong hơn một tháng vừa qua. Điều này đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm của ngành Y tế, từ Bộ Y tế, đến sở y tế cũng như các cơ sở y tế để có thuốc điều trị cho người bệnh.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Trang cũng cho rằng trong quá trình giao thoa từ Luật Đầu thầu cũ sang Luật Đấu thầu mới sẽ có những vấn đề cần làm rõ và nghiên cứu thêm. Vì vậy, câu chuyện đảm bảo thuốc, vật tư y tế cho người bệnh sẽ cần được các đơn vị đầu tư thời gian nghiên cứu triển khai thực hiện…

“Nhưng chúng tôi có thể khẳng định rằng đến nay đã cơ bản đủ thuốc, thiết bị y tế điều trị cho người bệnh. Còn các gói thầu vẫn đang triển khai…,” bà Trang nhấn mạnh.

Về vấn đề thanh toán thuốc trực tiếp cho người bệnh bảo hiểm y tế trong trường hợp đi khám bệnh mà cơ sở y tế không bảo đảm đủ thuốc, chúng tôi đã thực hiện ngay chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế từ tháng 10/2023. Theo đó, chúng tôi đã bắt đầu khởi động xây dựng thông tư hướng dẫn quy định điều 31 Luật Bảo hiểm y tế để có cơ chế pháp lý cho trường hợp vì điều kiện bất khả kháng và khách quan khi người bệnh đi khám bệnh tại cơ sở y tế mà không có thuốc.

Lấy ví dụ thực tế, bà Trang lý giải, đối với thuốc hiếm, hoặc có những thuốc giá rất rẻ mà ít có đơn vị cung cấp và các đơn vị không đấu thầu được hoặc đấu thầu thất bại…, đấy là lý do khách quan. Việc thiếu thuốc trong hoàn cảnh này chúng tôi đã xây dựng thông tư để xử lý triệt để, nhằm thanh toán trực tiếp cho người bệnh.

“Đến nay chúng tôi đã xây dựng thông tư, đã lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành phố và khảo sát tình trạng thiếu thuốc trong 3 năm vừa qua. Hiện 46 sở y tế đã có báo cáo gửi về. Kết quả cho thấy, các sở y tế đều khẳng định cho đến nay cơ bản đảm bảo đủ thuốc và chỉ có một số trường hợp do giai đoạn mở thầu chưa thành công,” Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế thông tin.

Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ trình lãnh đạo Bộ Y tế xem xét thông tư này. Hiện dự thảo thông tư đã được Vụ Pháp chế thẩm định. Chúng tôi đang nghiên cứu rà soát, hoàn thiện thông tư để báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế./.