Quyết liệt gỡ khó, sớm hoàn thành Chương trình giảm nghèo bền vững tại Đắk Nông
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, tổng vốn bố trí trong 3 năm 2022-2024 để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là gần 898 tỷ đồng.
Việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi về đối tượng, phạm vi, nội dung hỗ trợ, cơ chế quản lý. Số dự án, tiểu dự án thành phần nhiều hơn và người nghèo cũng được hỗ trợ toàn diện hơn để thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để hoàn thành chương trình, đạt các mục tiêu đã đề ra.
Nhiều dự án giải ngân đạt thấp
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, tổng vốn bố trí trong 3 năm 2022-2024 để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là gần 898 tỷ đồng.
Đến ngày 30/11/2024, giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh đạt hơn 455 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 50,82% (bao gồm cả nguồn vốn các năm 2022, 2023 chuyển sang năm 2024), ước thực hiện đến ngày 31/12/2024, số vốn toàn chương trình giải ngân đạt 60%.
Nguồn vốn năm 2022 giải ngân được là hơn 172 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 80%; nguồn vốn năm 2023 giải ngân được là hơn 190 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 58%; nguồn vốn năm 2024 giải ngân được là hơn 93 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 27%.
Bên cạnh các dự án, tiểu dự án giải ngân tốt, nhiều dự án, tiểu dự án có tỷ lệ giải ngân đạt thấp do nhiều vướng mắc cả về khách quan lẫn chủ quan. Điển hình như Dự án da dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (tổng vốn gần 93 tỷ đồng) có tỷ lệ giải ngân chung mới đạt gần 35%.
Thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp là 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất (lần lượt là 0% và gần 13%); dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (tổng vốn gần 162 tỷ đồng) cũng chậm và tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Nguyên nhân là theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tại Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT ngày 6/1/2023), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng."
Trong khi đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện không thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững nên hiện nay một số địa phương không thể thực hiện giải ngân và đang thực hiện rà soát để đề xuất điều chuyển nguồn vốn.
Thêm nữa, đến nay, Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp là đối tượng thụ hưởng nên các địa phương chưa thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này.
Đáng chú ý, đối với tiểu dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thuộc dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững), hiện tỷ lệ giải ngân là 0%. Nguyên nhân là từ khi triển khai đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đắk Nông và 2 huyện nghèo (Tuy Đức và Đắk Glong) không nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động.
Trên thực tế, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tư tưởng không muốn đi làm việc xa gia đình; khả năng về tài chính, tài sản thế chấp vay vốn của hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như hộ nghèo, hộ cận nghèo còn nhiều khó khăn... Do vậy, việc tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo (Đắk Glong và Tuy Đức) đi làm việc ở nước ngoài chưa thực hiện được trường hợp nào.
Bên cạnh đó, một trong các dự án được đánh giá cao về ý nghĩa an sinh xã hội cũng như có đối tượng thụ hưởng lớn là hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo cũng có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Tổng vốn bố trí cho dự án gần 73 tỷ đồng. Hiện, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt gần 7%.
Theo báo cáo của các đơn vị liên quan, quá trình triển khai đã gặp một số khó khăn. Nổi bật là nhiều hộ dân thuộc diện hỗ trợ không đáp ứng đủ các quy định tối thiểu về đất đai, điển hình như: vị trí dự kiến xây dựng, sửa chữa nhà không có quy hoạch đất ở; chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất không chính chủ, đất ở hiện trạng bản đồ cũ, đất chưa định vị thổ cư; thậm chí nhiều hộ sinh sống trên đất quy hoạch ba loại rừng, vướng các quy hoạch khác (điển hình như bauxite)…
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đắk Nông, qua 3 năm, từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm hơn 6%. Đây là kết quả minh chứng cho việc áp dụng đồng bộ, triển khai kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi so với trước đó. Đối tượng, phạm vi, nội dung hỗ trợ, cơ chế quản lý đều được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ, đồng bộ hơn. Hiện, các cơ chế chính sách, quy định đã cơ bản hoàn thiện và công tác triển khai đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, xác định đối tượng có thu nhập thấp trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để các địa phương thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến ngày 2/8/2024 với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành trong tháng 8/2024. Tuy nhiên, đến nay, nội dung này chưa có hướng dẫn để triển khai thực hiện.
Trước thực trạng tỷ lệ vốn giải ngân đạt thấp, với vai trò và trách nhiệm được giao, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đắk Nông đang tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, đồng thời, thường xuyên phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn nghiên cứu, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đã phân bổ.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp là tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai; sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ và sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu của một số đơn vị, địa phương.
Cũng theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, rất nhiều địa phương chậm trễ trong lập kế hoạch giải ngân nguồn vốn và triển khai các dự án, đặc biệt đối với nguồn vốn sự nghiệp để triển khai các dự án sinh kế, nhà ở (giải ngân vốn sự nghiệp 3 năm 2022-2024 chỉ đạt gần 23%), chưa kịp thời hỗ trợ người dân được thụ hưởng.
Để kịp thời giải ngân nguồn vốn, sớm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo như kế hoạch và chương trình chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện gấp rút đẩy nganh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, đảm bảo giải ngân 100% nguồn vốn 2 năm 2022, 2023 chuyển sang năm 2024; đối với nguồn vốn năm 2024 quyết tâm giải ngân đạt 95%; giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông giao Sở Tài chính kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn sự nghiệp, đặc biệt là đối với dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững; giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý, giải quyết kịp thời./.