Quy tắc ứng xử cho nghệ sỹ: Liệu có thanh lọc môi trường nghệ thuật?
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang biên soạn Dự thảo “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sỹ" với hy vọng rằng có thể chấn chỉnh những hành vi sai phạm của những người hoạt động trong ngành văn hóa.
Thời gian qua, dư luận dậy sóng với các hành vi “lệch chuẩn” của những người nổi tiếng, từ tuyên truyền “ăn giun đất để chữa COVID-19,” văng tục trên mạng xã hội, quảng cáo tiền ảo đến lùm xùm tiền từ thiện.
Trong bối cảnh đó thì việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang biên soạn Dự thảo “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sỹ," lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia văn hóa, các hội chuyên môn... được cho là một động thái tích cực trong nỗ lực nhằm nâng cao ý thức hành xử của các nghệ sỹ thời nay.
Thế nhưng, liệu đây có thực sự là một "cây gậy" để có thể "thanh lọc" môi trường văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam hay không thì cần phải có sự phân tích thấu đáo.
Xây dựng khung ứng xử văn hóa
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Bộ Quy tắc ứng xử này là cái khung để nghệ sỹ biết tiết chế, ứng xử có văn hóa với nhau và với khán giả.
Đây là những khuyến cáo về hành vi ứng xử, không phải quy phạm pháp luật nên không có điều khoản xử phạt, cấm sóng. Tuy nhiên đây là cơ sở để các bộ, ban, ngành xây dựng những quy tắc riêng cũng như ban hành các định chế riêng để áp dụng với thành viên, hội viên trực thuộc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện dự thảo Quy tắc ứng xử chung của nghệ sỹ và gửi tới các cơ quan chức năng và 6 đơn vị trực thuộc gồm: Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sỹ Múa, Hội Nghệ sỹ Sân khấu, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh, Hội Nhạc sỹ để đề nghị tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Hướng Dương khẳng định rằng việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là vô cùng cần thiết. Nhất là thời gian qua, làng giải trí Việt có quá nhiều sự việc lùm xùm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và gây xói mòn lòng tin của công chúng đối với nghệ sỹ.
“Bộ Quy tắc ứng xử này sẽ đưa ra những chuẩn mực để các hội chính trị, nghề nghiệp, xã hội... dựa vào đó mà đề ra các quy tắc riêng. Từ đó, sẽ có các biện pháp thanh lọc để nghệ sỹ biết nâng cao ý thức của mình trong hành xử hàng ngày và trong quá trình làm nghề,” ông Trần Hướng Dương cho biết.
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, người nổi tiếng cũng như nghệ sỹ có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng nên những hành vi lệch chuẩn của họ có tác động tiêu cực nhiều hơn so với các nhóm đối tượng xã hội khác.
[Hà Nội tạo sức lan tỏa trong việc thực hiện hai Bộ quy tắc ứng xử]
"Để tạo điều kiện cho người nghệ sỹ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong xã hội thì chắc chắn chúng ta phải có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Tôi nghĩ rằng Hội Nghệ sỹ Sân khấu chính là tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp này. Làm được như thế, chúng ta mới tạo ra định hướng đúng đắn, tốt đẹp cho hoạt động nghệ thuật của các nghệ sỹ," phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn nói.
Ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh rằng trong giai đoạn đất nước đang chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, chúng ta đang rất cần những ứng xử có văn hóa, có trách nhiệm của mỗi người, trong đó có các nghệ sỹ đối với cộng đồng và xã hội.
Chồng chéo và chưa rõ ràng
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam cho rằng lẽ ra những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật cần tự ý thức được hành vi ứng xử của mình, chứ không cần phải chờ cơ quan quản lý Nhà nước ban hành quy tắc.
Biên đạo múa Tuyết Minh cho rằng các nghệ sỹ thuộc biên chế Nhà nước, các nhà hát hay các hội nghề nghiệp đều đã có những bản nội quy, quy tắc ứng xử rất rõ ràng, còn các nghệ sỹ tự do thì bản thân họ là công dân của Việt Nam, có có trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Do đó, việc ban hành riêng một Bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sỹ dường như là hơi thừa và chồng chéo với các văn bản quy định đã có.
“Tôi nghĩ rằng đã là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật thì họ hiểu rất rõ mình cần phải làm gì để có chỗ đứng trong lòng khán giả, họ biết cách ứng xử thế nào cho có văn hóa,” biên đạo múa Tuyết Minh bày tỏ.
Theo nghệ sỹ Tuyết Minh, việc ban hành thêm quy tắc ứng xử thể hiện rằng cơ quan quản lý đang chạy theo các hiện tượng cá biệt, xảy ra trong thời gian gần đây mà dư luận đang quan tâm.
Thực tế có những người không được đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, không có danh hiệu, giải thưởng… nhưng cũng được gọi là nghệ sỹ. Biên đạo múa Tuyết Minh cho rằng ngay cả danh xưng nghệ sỹ hiện nay cũng đang “loạn” bởi có những người xin cấp phép phát hành vài sản phẩm âm nhạc như đĩa đơn, MV… cũng đều được gọi là nghệ sỹ biểu diễn.
Theo chị, cơ quan Nhà nước cần siết chặt quản lý sản phẩm nghệ thuật, chứ không chỉ quản lý về mặt con người. Bởi vì nhiều người bỏ tiền đầu tư quảng bá sản phẩm và thương hiệu cá nhân nên họ trở nên nổi tiếng hơn nhiều nghệ sỹ chân chính, có những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
“Nghệ sỹ đến được với công chúng là nhờ sản phẩm. Chúng ta cần nhìn lại xem những sản phẩm của họ đã tốt chưa, có thực sự có ích với cộng đồng để được phát hành rộng rãi?” nghệ sỹ Tuyết Minh nói.
Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch mới chỉ gửi bản dự thảo chung, chưa có hướng dẫn cụ thể. Ông cho rằng việc nghiên cứu xây dựng Bộ quy tắc cần thời gian nghiên cứu, áp dụng riêng với từng lĩnh vực.
"Trước hết, chúng ta nên phân tích tình hình xã hội trong thời điểm hiện tại, trả lời câu hỏi rằng tại sao lại cần một văn bản như thế vào lúc này? Những giá trị đạo đức của giới văn nghệ sỹ đang băng hoại đến đâu, dẫn đến những hệ lụy gì," ông Lương Xuân Đoàn nói.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng ngoài những quy định chung, mỗi ngành nghề cần quy tắc riêng, do họ có cách làm việc, không gian sáng tác, giao lưu khác nhau. Ông nhận định bộ quy tắc không nên chỉ quy định về đạo đức chung chung, cần có chế tài xử phạt rõ ràng.
Nghệ sỹ Tuyết Minh cũng đồng tình với quan điểm cho rằng cần phải có văn bản ở cấp độ cao hơn, đó là luật.
Trong khi đó, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng dù Bộ quy tắc không mang tính xử phạt nhưng giúp đánh giá hành vi đạo đức ở mỗi người, từ đó xác định uy tín nghề nghiệp và thương hiệu cá nhân.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng Bộ quy tắc này là cần thiết nhưng chưa đủ mạnh tới mức độ ngăn chặn được hành vi vi phạm.
“Để nó có quyền lực thật sự, tôi nghĩ cần phải có sự tham gia của liên bộ, liên ngành, cũng như gắn vào sụ quản lý của các hội nghề nghiệp như Hội Nghệ sỹ Múa, Hội Mỹ thuật…,” ông Nguyễn Quang Long chia sẻ./.