Quy mô kinh tế Internet Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025

Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ B2C tại Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; dự kiến có thể lên đến 10% vào năm 2025.

Khoảng 57 triệu đến 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người từ 260-285 USD. (Ảnh: Vietnam+)

Dẫn báo cáo mới nhất “Nền kinh tế Internet Đông Nam Á năm 2022” của Google và Temasek, đại diện Cục Thương mại Điện tử (Bộ Công Thương) cho biết tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô nền kinh tế Internet đứng thứ 3 sau Indonesia và Thái Lan, đạt 23 tỷ USD vào năm 2022.

Báo cáo trên cũng đưa ra dự báo trong giai đoạn 2022-2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, với quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025. Dữ liệu này cho thấy các tổ chức quốc tế đang có những đánh giá khả quan đối với sự phát triển tiềm năng của nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng tại Việt Nam.

[Trụ đỡ giúp doanh nghiệp hồi phục tăng trưởng]

Đặc biệt, thương mại điện tử Việt Nam hiện đang dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, thương mại điện tử sẽ tiếp tục là đầu tàu góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển trong thời gian tới.

Theo đại diện Cục Thương mại Điện tử, năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối với Internet toàn cầu. Đến nay, chất lượng dịch vụ Internet ngày càng được nâng cao, tạo nền tảng cho sự phát triển của thương mại điện tử. Trải qua nhiều giai đoạn, thương mại điện tử Việt Nam hiện duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trở thành kênh mua sắm hiện đại quan trọng của người tiêu dùng bên cạnh kênh mua sắm truyền thống.

Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ B2C tại Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ này có thể lên đến 10%. Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiến hành năm 2022 cho thấy, có khoảng 78% người dùng Internet tham gia mua sắm thông qua thương mại điện tử.

Đáng chú ý, việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ số của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đem đến một sự biến đổi về chất cho thương mại điện tử nói riêng và thương mại nói chung, từ đó tác động ngược trở lại các quy trình sản xuất và tổ chức hoạt động kinh doanh để hình thành nên nền kinh tế số. Hạ tầng logistics và thanh toán là hai cấu phần quan trọng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.

Hơn nữa, thị trường logistics phục vụ thương mại điện tử tại Việt Nam duy trì đà tăng trưởng, nằm trong nhóm 10 quốc gia có mức độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, dự kiến đạt 4,88 tỷ USD năm 2030 với tốc độ tăng trưởng 24,1% trong giai đoạn 2022-2030./.

Đức Duy (Vietnam+)