Quy hoạch Thủ đô: Tạo không gian, động lực mới để xây dựng và phát triển

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế-xã hội, 5 vùng đô thị.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ mười lăm, kỳ họp chuyên đề Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 29/3, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 15, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết được thông qua sẽ tạo ra khung khổ pháp lý, tạo lập không gian phát triển, động lực và giá trị mới để xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng “Văn hiến, văn minh, hiện đại” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, Quy hoạch có mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “văn hiến, văn minh, hiện đại," xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế...

Đến năm 2050, Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh-thông minh-thanh bình-thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến. Quy mô dân số thường trú đến năm 2050 khoảng 13-13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người đạt 45.000-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa 80-85%.

Đáng chú ý, Quy hoạch xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế-xã hội, 5 vùng đô thị.

Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Thanh Hóa).

Ngoài ra, Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển trong đó nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa-lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.

Ngoài ra, tập trung cải tạo những khu chung cư cũ; xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo khu phố cổ, khu có kiến trúc kiểu Pháp nhằm khai thác, phát huy giá trị văn hóa-lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến; khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Một góc Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Tại kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết căn cứ Luật Quy hoạch năm 2017 và Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã tập trung, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện Quy hoạch.

Đây là nội dung lớn, rất quan trọng, cùng với dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đang được tập trung hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ, sẽ tạo ra khung khổ pháp lý, thể chế quan trọng cho sự phát triển Thủ đô, tạo lập không gian phát triển mới, động lực mới và giá trị mới để xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng “văn hiến, văn minh, hiện đại”./.