Quy định quỹ đất làm nhà ở xã hội còn ‘mờ nhạt,’ Bộ TN-MT nói gì?

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định về việc xác định nhu cầu đất ở trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong đó có nhu cầu về đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Trước thông tin cho rằng vấn đề quy hoạch đất đai để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động trong khu công nghiệp còn “rất mờ nhạt,” đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định cơ quan này đã làm việc với các đơn vị liên quan để có sự điều chỉnh, bảo đảm thống nhất giữa các quy định.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh với vai trò là cơ quan soạn thảo, đơn vị này đã chủ động làm việc với Bộ Xây dựng về những quy định trong dự thảo Luật Đất đai có liên quan đến Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Trong quá trình làm việc, hai bộ đã thống nhất quan điểm về việc xử lý những quy định chồng lấn, bảo đảm thống nhất giữa các quy định của 3 dự thảo luật.

Đến nay, đối với các quy định về đất để xây dựng nhà ở xã hội, dự thảo Luật Đất đai đã có quy định về việc xác định nhu cầu đất ở trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong đó có nhu cầu về đất để xây dựng nhà ở xã hội.

[‘Gỡ rào’ chính sách cho nhà ở xã hội: Cần gấp Nghị quyết thí điểm]

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội; miễm, giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ Xây dựng, đã thống nhất các quy định về sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại và các loại nhà ở khác; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; điều kiện về đất tham gia thị trường, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.

Trước đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có liên quan chặt chẽ với nhau và tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, nhà ở xã hội.

“Vì thế, việc lấy ý kiên nhân dân và sửa đổi các luật trên cùng lúc được kỳ vọng sẽ giải quyết tất cả các lợi ích chung của xã hội, chứ không phải là xây dựng từng đạo luật để làm công cụ quản lý của Nhà nước đối với từng chuyên ngành cũng như tạo cơ sở cho từng ngành dễ quản lý,” ông Tuyến nói.

Tuy vậy, qua nghiên cứu luật, ông Tuyến cho rằng đến nay, giữa 3 dự thảo luật trên vẫn còn những điểm chưa tích hợp, chưa “link” được với nhau. Trong số đó, vấn đề quy hoạch đất đai để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động trong khu công nghiệp, những người làm công ăn lương còn “rất mờ nhạt.”

Phân tích thêm, ông Tuyến cho hay trong dự thảo Luật Nhà ở đã có hẳn 1 chương đề cập về nhà ở xã hội, nhưng Luật Đất đai quy định về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất còn chung chung; không cụ thể quy hoạch đất trong các khu công nghiệp nhưng lại yêu cầu dành một phần đất để xây nhà ở công nhân./.

Hùng Võ (Vietnam+)