Quy định mới về Ban chỉ đạo thực hiện xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật
Theo Quyết định mới, Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đổi tên là Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1512/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Quyết định số 1512/QĐ-TTg, Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đổi tên thành Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật.
Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng các Bộ Công an, Tài chính, Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nội vụ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn mời lãnh đạo của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham gia Ban Chỉ đạo.
Theo Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 8/7/2024, Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV; đồng thời tiếp tục tổng hợp, rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh (nếu có).
Chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, các Luật Thuế, Luật Dược... và các văn bản hướng dẫn, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật.
Đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.
Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng hiện có của bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; phối hợp, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện của các bộ, ngành và địa phương; tổng hợp, xây dựng báo cáo, trình Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo định kỳ và đột xuất.
Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật góp phần khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, bệnh trì trệ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và các mục tiêu lớn theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thủ tướng chỉ rõ sau khi rà soát thì đề xuất xây dựng một luật sửa đổi nhiều luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các vướng mắc, trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế trong phạm vi quản lý; đồng thời, bố trí cán bộ pháp chế đủ năng lực, trình độ, nhiệt huyết, đam mê với công việc và quan tâm chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế./.