Quy định hữu cơ mới của EU: Cơ hội thu hút thêm thành viên vào hợp tác xã
EUDR được ban hành tháng 6/2023 và bắt đầu áp dụng từ ngày 31/12/2024 với cá nhân, tổ chức và từ 30/6/2025 sẽ áp dụng với các DN nhỏ và vừa đang tạo ra những khó khăn nhất định cho ngành hữu cơ VN.
Những quy định hữu cơ mới của Liên minh châu Âu (EU) về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (gọi tắt là EUDR) được ban hành tháng 6/2023 và bắt đầu áp dụng từ ngày 31/12/2024 với cá nhân, tổ chức và từ 30/6/2025 sẽ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tạo ra những khó khăn nhất định cho ngành hữu cơ Việt Nam.
Hay với quy định hữu cơ mới của châu Âu RE 848/2008, nhiều quy định mới đưa ra được đánh giá là nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn. Do vậy, việc phổ biến, áp dụng những quy định mới sẽ hạn chế những tiêu cực trong quá trình xuất khẩu cũng như mở ra cơ hội thu hút nông hộ, hộ cá thể tham gia hợp tác xã, qua đó phát triển chuỗi giá trị hàng hóa bền vững, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) là đơn vị tiêu biểu của Hà Nội chú trọng sản xuất theo quy trình hữu cơ. Theo đó, hầu hết nguồn phân hữu cơ được hợp tác xã tự sản xuất từ phân chuồng, phế thải hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi.
Những chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu hữu cơ cũng được sản xuất từ các thảo dược sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường, không độc hại cho người sử dụng.
Cùng đó, quy trình sản xuất của hợp tác xã cũng được kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý, đủ tiêu chuẩn hữu cơ, hợp tác xã mới được xuất nông sản ra thị trường. Do đó, sản phẩm rau hữu cơ của hợp tác xã đã khẳng định được chất lượng, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương cho biết, cùng với việc vận động bà con thành viên mở rộng quy mô sản xuất, hợp tác xã đang tập trung xây dựng thương hiệu “Organic Tiên Dương” cho sản phẩm rau hữu cơ.
Do đó, hợp tác xã mong muốn các cơ quan quản lý tiếp tục tạo điều kiện trong việc liên kết tiêu thụ ổn định sản phẩm rau hữu cơ cũng như hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến tại chỗ.
Xác định bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là yếu tố then chốt, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Hòa (tỉnh Đồng Tháp) áp dụng kỹ thuật cung cấp nước "ngập - khô xen kẽ" trong sản xuất lúa hàng hóa.
Đây là phương pháp canh tác lúa tiết kiệm nước, giảm ít nhất khoảng 3,5 lần lượng khí thải nhà kính so với các ruộng lúa để nước ngập suốt cả vụ. Phương pháp này còn giúp người dân, hợp tác xã tiết kiệm được chi phí mà không làm giảm năng suất.
Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất lúa, mà nhiều mô hình từ trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng… của các hợp tác xã đã làm rất tốt việc đổi mới công nghệ, kỹ thuật hướng đến giảm khí thải nhà kính.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Ameii Việt Nam-doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều đưa sang Nhật Bản và EU, để xuất khẩu nông sản sang những thị trường khó tính, doanh nghiệp phải phát triển vùng nguyên liệu sạch nhưng đây không phải vấn đề dễ triển khai.
Hiện nay, khó khăn lớn nhât với doanh nghiệp là việc tìm kiếm nguồn hàng vì có những thời điểm không tìm được vùng nguyên liệu với sản phẩm vải thiều, cà rốt. Do đó, doanh nghiệp rất cần những vùng sản xuất nông sản xanh với quy trình được đồng bộ, thay vì chỉ một vài hợp tác xã sản xuất nông sản xanh.
Tương tự, tại Hợp tác xã Organic Homefarm tại (Tân Lạc, Hòa Bình) dù đang sản xuất nông sản hữu cơ và mong muốn được đẩy mạnh xuất khẩu nhưng các thành viên hợp tác xã cho biết chưa tìm hiểu sâu về quy định hữu cơ mới của EU. Bên cạnh việc chưa nắm bắt được những quy định mới, không ít nông hộ, hợp tác xã sản xuất hữu cơ ở Việt Nam lại cảm thấy lo lắng trước những quy định khắt khe của thị trường châu Âu.
Nhiều nông hộ, hợp tác xã sản xuất hữu cơ cũng lo ngại rằng các quy định mới của châu Âu sẽ không khuyến khích người dân, hợp tác xã ở Việt Nam sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Lý do được nông dân, hợp tác xã đưa ra chính là muốn đảm bảo được các tiêu chí khắt khe đồng nghĩa với việc hợp tác xã, doanh nghiệp phải tốn thêm nhiều chi phí để làm các xét nghiệm, chứng nhận. Và trong tương lai gần, nhất là nhiều nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhỏ ở Việt Nam có thể lỡ hẹn với chứng nhận hữu cơ vào năm 2024-2025 vì áp lực chi phí.
Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Cam ta (Hà Giang), cho biết chi phí để có chứng nhận hữu cơ của EU hiện còn đắt đỏ, thường chỉ phù hợp với những đơn vị có lượng vốn lớn và mạnh. Đây chính là một trở ngại lớn cho các hợp tác xã cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra quy trình tiến hành kiểm định quá trình canh tác và cấp giấy chứng nhận sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ rất khắt khe, từ đất, nguồn nước, giống, cây trồng…
Đi liền với đó, các quy định hữu cơ của thị trường châu Âu cũng thường xuyên thay đổi. Vì vậy, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ đối với nông hộ, hợp tác xã sẽ gặp phải nhiều khó khăn phía trước.
Ông Lê Quý Hòa Bình, Quản lý chứng nhận nông nghiệp tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Control Union Việt Nam cho hay, theo quy định mới, không chỉ các đơn vị sản xuất mà cả đơn vị buôn bán, bao gồm môi giới hàng hóa, thương nhân, nhà xuất nhập khẩu, và thậm chí các đơn vị bán hàng online cũng phải có chứng nhận hữu cơ để thuận lợi trong việc buôn bán sản phẩm tại châu Âu.
Mục tiêu của những quy định này là hướng tới sản xuất bền vững hơn, điều này không chỉ mang lại lợi ích lâu dài cho môi trường mà còn cho chính người sản xuất.
Đánh giá từ các chuyên gia, quy định này giúp minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm. Các hợp tác xã và doanh nghiệp nếu ngay từ đầu xác định sản xuất kinh doanh nghiêm túc, hướng tới xuất khẩu, sẽ có nhiều lợi thế và cơ hội hơn. Đặc biệt, nông dân đơn lẻ chỉ có thể thuận lợi đáp ứng các yêu cầu khắt khe của EUDR và tuân thủ pháp luật quốc gia khi tham gia vào hợp tác xã.
Vì vậy, giải pháp tối ưu để khắc phục vấn đề này là thu hút nông dân vào hợp tác xã giúp họ tham gia tích cực vào chuỗi giá trị hàng hóa nhằm đảm bảo công bằng về giá cả, mang lại lợi thế trong thu mua cho thành viên hợp tác xã so với những nông hộ không tham gia.
Với tư cách pháp nhân, nội quy và quy định rõ ràng, hợp tác xã có thể phát triển chuỗi giá trị minh bạch và truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường mới và sản xuất bền vững hơn.
Ngoài ra, khi các hộ cá thể tham gia vào hợp tác xã và chú trọng vào sản xuất bền vững có thể tận dụng lợi ích từ việc nhận hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực thông qua sự hợp tác và trao đổi thông tin với đối tác kinh doanh và có thể đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ từ thị trường nhập khẩu./.