Quy định chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện quản lý, giám sát đối với hoạt động cạnh tranh trên thị trường; giám sát, phát hiện, xác minh các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký Quyết định số 816/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng quy định tại khoản 1, Điều 1, Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10/2/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Về nhiệm vụ và quyền hạn, Ủy ban thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều 2, Nghị định số 03.
Cụ thể, xây dựng và tham mưu Bộ trưởng ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chương trình, dự án, đề án, chiến lược, kế hoạch, các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế quản lý về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Cùng đó, ban hành các văn bản cá biệt, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án, đề án, chính sách do các cơ quan khác chủ trì có nội dung liên quan đến lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Mặt khác, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những văn bản đã ban hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh phương thức đa cấp.
Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án, đề án về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Quyết định cũng nêu rõ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện quản lý, giám sát đối với hoạt động cạnh tranh trên thị trường; giám sát, phát hiện, xác minh các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh; chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh trong ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, rà soát, giám sát việc thực hiện điều kiện, nghĩa vụ trong quyết định cho hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, quyết định về việc tập trung kinh tế; thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có nhiệm vụ kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; tiếp nhận và xem xét hồ sơ đăng ký, đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, quản lý hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Tư vấn, hỗ trợ, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quản lý hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; giám sát việc thực hiện thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp; xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Ngoài ra, công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; tổ chức kiểm tra, cấp, thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật về bản hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; giải quyết thủ tục rút tiền ký quỹ, thủ tục sử dụng tiền ký quỹ; thu, nộp, kê khai, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp theo quy định của pháp luật.
[Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chính thức đi vào hoạt động]
Ngoài ra, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; được sử dụng tư vấn trong và ngoài nước trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của công việc theo quy định của pháp luật.
Áp dụng hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Hướng dẫn, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Chủ trì thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc xây dựng và thực thi pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Hơn nữa, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia còn tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách có liên quan đến các lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Thu thập thông tin, dữ liệu; xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, giám sát và thực thi pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Đặc biệt, tổ chức nghiên cứu khoa học, quản lý và cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tham mưu quản lý nhà nước và theo dõi hoạt động của các hội, hiệp hội ngành nghề hoạt động trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.
Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia đàm phán các nội dung về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong các điều ước quốc tế./.