Quy định 144: Tạo động lực cho cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu, rèn luyện
Theo bác sỹ Bùi Thị Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Y học thành phố Hà Nội, Quy định 144 đóng góp nhiều nội dung quan trọng cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đạo đức công vụ.
Quy định 144 có ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, tạo niềm tin vào thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Đồng thời, Quy định này tạo động lực cho cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu, rèn luyện nâng cao đạo đức để vượt qua những khó khăn, thách thức cũng như tận dụng cơ hội trong thực hiện nhiệm vụ.
Đây là nhận xét của một số đảng viên, trí thức thủ đô Hà Nội đối với Quy định số 144-QĐ/TW “Về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” (Quy định 144) vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành.
Tạo thói quen tự giác cho cán bộ, đảng viên
Theo bác sỹ Bùi Thị Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Y học thành phố Hà Nội, thấm nhuần một cách sâu sắc quan điểm của Đảng - "công tác cán bộ là then chốt của then chốt" - nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng Việt Nam, việc xây dựng Đảng về đạo đức phải kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện chuyên môn và lý luận chính trị.
Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "... phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ."
Do vậy, Quy định 144 đóng góp nhiều nội dung quan trọng cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và xây dựng đạo đức công vụ.
Thực tiễn hoạt động lãnh đạo của Đảng cho thấy ở đâu, nơi nào phát huy tốt vai trò của tổ chức Đảng thì ở nơi đó kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được cao hơn. Từ đó, việc khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và quần chúng có kết quả tốt hơn.
Ngược lại, nơi nào vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng chưa được phát huy thì chất lượng, hiệu quả các mặt công tác ở đó còn hạn chế; những biểu hiện tự do, vô kỷ luật có cơ hội phát sinh, phát triển.
Qua nghiên cứu về Quy định 144, bác sỹ Bùi Thị Hiệp tâm huyết nhất Điều 6: “Tổ chức thực hiện." Chính quá trình thực hiện những quy định khắt khe, bắt buộc đó sẽ dần tạo nên thói quen tự giác cho cán bộ, đảng viên thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, các nội dung tiêu chí phấn đấu của cá nhân được xây dựng phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và phải phù hợp với chức trách, nhiệm vụ, điều kiện công tác của từng nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, tổ chức Đảng phải thẩm định kết quả tự đánh giá và thông qua bản tự đăng ký phấn đấu về chuẩn mực đạo đức của từng người để làm căn cứ theo dõi, giúp đỡ và kiểm tra việc thực hiện Quy định 144 của Bộ Chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Xây dựng văn hóa từ chức
Đánh giá Quy định 144 có 19 nội dung rất ngắn gọn, súc tích, cô đọng và được thể hiện trong 5 điều là cơ sở để xây dựng và hình thành đội ngũ cán bộ, đảng viên mới năng động, sáng tạo, ông Lâm Bình Sản, Bí thư Chi bộ 2 Đảng bộ phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng Quy định này có nội dung mới: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân."
Đây là chuẩn mực của người cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; là hệ quả tổng hợp của các chuẩn mực khác trong Quy định 144.
Nội dung “Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín” tại Điều 3: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư," ông Lâm Bình Sản cho rằng ngoài việc hiểu từ chức do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng, từ chức còn được hiểu vì có người khác tài năng hơn mình.
Để thực hiện tốt Quy định 144 tại Chi bộ 2 Đảng bộ phường Ngọc Hà, ông Lâm Bình Sản đề xuất cần lấy tiêu chí hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ.
Người đứng đầu phải phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên rõ ràng, cụ thể như hoàn thiện, xây dựng mới các quy chế làm việc của các tổ chức, đoàn thể, trong đó chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ làm việc; xây dựng văn hóa từ chức (Quy định phạm vi trách nhiệm của từng cấp, tổ chức và cá nhân, trên cơ sở đó đề ra mức độ vi phạm trách nhiệm phải từ chức). Đồng thời, xây dựng chuẩn mực đánh giá người tài qua mức độ hoàn thành nhiệm vụ, qua dư luận của đảng viên và quần chúng.
Trong bổ nhiệm cán bộ, trước tiên cần đặt tiêu chuẩn tài là điều kiện cần, sau đó xem xét tới tiêu chuẩn đức có phù hợp với vị trí công tác của cán bộ, đảng viên đó hay không./.