Quy chế thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thay đổi thế nào?
Từ năm 2025, quy chế thi Tốt nghiệp trung học phổ thông có nhiều thay đổi từ số môn thi, nội dung thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp và quy đổi điểm môn Ngoại ngữ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy chế thi Tốt nghiệp trung học phổ thông áp dụng từ năm 2025 với nhiều điểm mới so với kỳ thi các năm trước, từ số môn thi, nội dung thi đến cách xét tốt nghiệp.
Thêm các môn thi mới, Ngoại ngữ thành môn tự chọn
Kỳ thi sẽ được tổ chức với 12 môn thi thay vì 9 môn như trước đây, gồm 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 10 môn tự chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng công nghiệp (gọi tắt là Công nghệ công nghiệp), Công nghệ định hướng nông nghiệp (gọi tắt là Công nghệ nông nghiệp), Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
Theo đó, Ngoại ngữ sẽ không còn là môn thi bắt buộc.
Năm 2025 cũng là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi Tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Nhật trong danh sách các môn nhóm Ngoại ngữ.
Số môn tổ chức thi tăng do có thêm các môn thi mới như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng công nghiệp (gọi tắt là Công nghệ công nghiệp), Công nghệ định hướng nông nghiệp (gọi tắt là Công nghệ nông nghiệp).
Giảm số buổi thi và số môn thi
Kỳ thi sẽ gồm ba buổi thi. Cụ thể, thí sinh sẽ thi 3 bài thi trong 3 buổi với 4 môn, gồm: 1 buổi thi Toán, 1 buổi thi Ngữ văn và 1 buổi thi bài thi tự chọn. Bài thi tự chọn gồm 2 trong số 10 môn thuộc nhóm môn tự chọn ở trên.
So với kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, kỳ thi giảm một buổi thi. Số môn thí sinh phải thi để xét tốt nghiệp giảm.
Các năm trước, để xét tốt nghiệp, thí sinh phải thi bắt buộc 4 bài thi với 6 môn, gồm ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên (gồm các môn Hóa học, Sinh học, Vật lý) hoặc bài thi Khoa học xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Nội dung thi theo chương trình mới
Theo quy chế mới, nội dung thi bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Để đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông trước năm 2025 nhưng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã tốt nghiệp nhưng muốn thi lại để lấy kết quả xét tuyển sinh, năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thêm một đề thi theo chương trình 2006. Tuy nhiên từ năm 2026 sẽ chỉ có duy nhất một đề thi theo chương trình 2018.
Thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp
Việc xét công nhận tốt nghiệp sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi theo tỷ lệ 50-50 thay vì tỷ lệ 30-70 như trước đây. Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ tính điểm học bạ lớp 12. Riêng với thí sinh chưa tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và thi theo đề của chương trình cũ vẫn được xét tốt nghiệp theo quy chế cũ.
Cụ thể, cách tính điểm xét tốt nghiệp từ năm 2025 như sau:
Bỏ quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ
Theo quy chế mới, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. Công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.
Quy chế mởi bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên.
Vận chuyển đề thi qua đường truyền mã hóa
Một điểm đáng chú ý của quy chế mới là lần đầu tiên trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hoá và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ./.