Quốc hội: Không đánh đổi ưu tiên giải ngân nguồn vốn bằng mọi giá
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh nhất trí đề xuất của Đoàn Giám sát về thời gian và điều kiện để gộp ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia làm một Chương trình.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về: Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông Thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Phát triển Kinh tế-Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đề xuất gộp ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia thành một Chương trình
Bày tỏ đồng tình với nội dung Báo cáo Giám sát cũng như dự thảo Nghị quyết, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) nhấn mạnh, Báo cáo Giám sát đã chỉ ra công tác giảm nghèo chưa thật sự đạt mục tiêu đa chiều, bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao, một số địa phương khó khăn đã được công nhận nông thôn mới vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng.
Tuy nhiên, Báo cáo Giám sát chưa đánh giá đầy đủ số liệu đến thời điểm hiện nay có bao nhiêu tỉnh, huyện, xã đạt nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 nợ tiêu chí, hụt tiêu chí. Mục đích giám sát là để đánh giá thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới, tránh tình trạng chạy theo số lượng, vì khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, những chính sách xã hội về giáo dục, y tế, an sinh xã hội bị cắt giảm do không còn là đối tượng được hưởng chính sách, trong khi đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao, nhiều địa phương vẫn phải bố trí ngân sách để hỗ trợ.
Trước những hạn chế, bất cập được chỉ ra sau hơn hai năm thực hiện ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng việc lồng ghép ba chương trình thành một chương trình để tổ chức thực hiện trong thời gian còn lại là vấn đề lớn, khả năng sẽ không thể thực hiện được ở giai đoạn này.
Đại biểu nhất trí với nội dung kiến nghị của Đoàn Giám sát về đề xuất “Đến cuối năm 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất của Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định phê duyệt các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2026-2031” và khi đó đề nghị gộp thành một chương trình, lấy Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới làm xương sống, lồng ghép hai chương trình còn lại để tập trung nguồn lực thực hiện vì mục tiêu đều hướng về nông thôn, nông dân, từ đó tránh được tình trạng dàn trải nguồn lực, khó tổ chức thực hiện.
[Đại biểu Quốc hội tìm cách gỡ khó cho 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia]
Về mục tiêu chính sách của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo Bền vững, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng, mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là đồng thời thực hiện mục tiêu của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa thực hiện mục tiêu của chính sách an sinh xã hội.
Trong khi đó, có nhiều loại hộ nghèo khác nhau với các nguyên nhân nghèo khác nhau: nghèo do không có vốn, không có đất canh tác, do già, ốm đau, tai nạn không có sức lao động, do thiếu kiến thức, kỹ năng, do không chăm chỉ...
Để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất phát huy hiệu quả, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề xuất cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển. Chính sách hỗ trợ cần được xây dựng dựa trên quan hệ và các quy luật của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế.
Khó khăn trong lồng ghép nguồn lực và tích hợp chính sách
Với những nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được phân tích trong Báo cáo Giám sát cũng như phân tích của các đại biểu phát biểu trước đó về việc giải ngân chậm, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) bày tỏ đồng tình với chủ trương, giải pháp “cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách được phân bổ cho các Chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2022; 2023 chưa giải ngân hết tiếp tục thực hiện đến hết giai đoạn 1-2025” được đưa ra trong dự thảo Nghị quyết Giám sát để khắc phục tình trạng giải ngân chậm hiện nay.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến nội dung đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn năm 2022-2023. Theo đại biểu, đây là nội dung rất nên cân nhắc, bởi phiên thảo luận lần này là nhằm họp để bàn "cho được, cho tốt và cho xong."
Đại biểu nêu quan điểm, lâu nhất là chỉ nên kéo dài nguồn vốn năm 2022 và 2023 đến hết quý I năm 2024, nếu qua thời gian này vẫn chưa hoàn thành thì sẽ coi như không hoàn thành nhiệm vụ, cần chuyển nguồn vốn này sang cho nội dung khác, dự án khác.
Tranh luận lại với ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho biết, việc chậm giải ngân vốn năm 2022 và 2023 có một số nguyên nhân, như: Do việc phân bổ vốn, giao vốn ngân sách trung ương còn chậm, phương thức phân bổ vốn còn chưa thống nhất, có chương trình giao tổng vốn, lại có chương trình giao chi tiết đến từng nội dung thành phần cụ thể, chưa tạo sự chủ động của địa phương và khó khăn cho việc lồng ghép nguồn lực, tích hợp chính sách, phân bổ ngân sách trung ương cho một số lĩnh vực chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm yêu cầu phải lập danh mục dự án, phân bổ vốn đến từng dự án thành phần, điều này cũng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, nếu không thống nhất thì phải điều chỉnh lại các chương trình, dự án, kế hoạch, làm kéo dài thời gian.
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của cả ba chương trình mục tiêu quốc gia còn đang vướng mắc, một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, dẫn đến giải ngân vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nằm trong nhóm giải ngân thấp nhất trong ba chương trình mục tiêu quốc gia.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) bày tỏ mong muốn thời gian tới cơ chế phân cấp trao quyền cho địa phương cần thực chất hơn, hiệu quả hơn, rõ về nội dung và phương thức trong việc tổ chức triển khai thực hiện để đảm bảo hiệu quả việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Hoa Ry cho rằng, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đã chậm nhưng chúng ta cần kiên định với mục tiêu và nguyên tắc trọng tâm với cách làm mới, không đánh đổi, ưu iên giải ngân nguồn vốn bằng mọi giá để dẫn tới lãng phí, sai sót và kém hiệu quả./.