Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và nguồn nhân lực
Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp khắc phục điểm nghẽn thể chế đã được chỉ ra; thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.
Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Đổi mới mạnh mẽ trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục có xu hướng phục hồi và phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó phải thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề hạn chế trong thể chế, cơ chế đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân; nhất là tác động không nhỏ do ảnh hưởng của sự lãng phí diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua.
Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; có giải pháp khắc phục điểm nghẽn thể chế đã được chỉ ra; thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.
Đặc biệt, có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương tổ chức thực hiện với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng.” Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Cần "cách mạng hóa" về biên chế ở Trung ương và địa phương
Đề cập đến tình trạng nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư đang diễn ra rất nhiều, trong đó phần lớn là nhân lực chất lượng cao, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, việc thu hút nhân tài vào khu vực công gặp khó khăn nhất định. Mức lương khởi điểm không đủ thuê nhà ở các thành phố lớn, từ đó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo đại biểu, tại kỳ họp này, một cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc cho đến các phiên thảo luận, đó là cụm từ "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn." Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế. "Tuy nhiên, theo tôi, để gỡ được điểm nghẽn thể chế thì rất cần nhân lực, mà nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn," đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, bao nhiêu năm qua, chúng ta nói rất nhiều đến sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Khi phát biểu ở tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nói, việc này mới làm từ xã, huyện, một số vụ, cục, tổng cục... còn Trung ương chưa tiến hành gì.
Đại biểu nêu băn khoăn: Tổng Bí thư cũng nói, ngân sách đang chi khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên. Vậy tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa? Ở nhiệm kỳ này, đã có rất nhiều phát biểu, tranh luận kéo dài về việc "chữa bệnh cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm," nhưng kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023, chỉ có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy như thế đã đánh giá đúng tình hình chưa?
Về cải cách tiền lương, đại biểu cho biết, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay, nhưng dẫu vậy một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu lương cũng "mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện," chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác. Thế nên rất dễ hiểu là các địa phương xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài, Quốc hội ủng hộ nhưng nhân tài vẫn "như lá mùa thu."
"Tổng Bí thư nói, chúng ta cần mạnh dạn nhìn nhận những khó khăn đang phải đối mặt, vượt lên được những khó khăn đó để phát triển. Kỳ họp này, Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Nhưng tôi chưa thấy có đề xuất nào tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực; trong khi đó khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn. Tôi đề nghị nên đột phá từ chính khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước," đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.
Cùng quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) đề nghị, cần nhanh chóng nghiên cứu chính sách dân số trước thách thức già hóa dân số, có nguồn nhân lực tốt mới giữ được đà tăng trưởng 6-7% cho những năm tới, đồng thời chuẩn bị kỹ để làm chủ nền công nghiệp hiện đại.
Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ mới chỉ đề cập về tinh giản biên chế, bộ máy hành chính của cấp huyện và cấp xã. Đại biểu đề nghị, cần phải "cách mạng hóa" về biên chế, bộ máy cả ở Trung ương và địa phương. Nếu giảm biên chế, đại biểu nêu 2 ưu điểm là giảm người sách nhiễu và tăng lương cho cán bộ mẫn cán. Như vậy, cán bộ sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn./.