Quốc hội khóa XV: Quy định việc áp dụng các biện pháp cảnh vệ chặt chẽ
Đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là rất cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng.
Chiều 3/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Đa số đại biểu Quốc hội đều thống nhất với tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và thực hiện quy trình thông qua tại một kỳ họp bởi dự thảo Luật đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng; hồ sơ bảo đảm đầy đủ theo quy định.
Đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là rất cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới.
Tại dự thảo luật, Điều 11 và Điều 12 của luật hiện hành đã được tách thành các điều luật cụ thể để tách riêng chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức danh, chức vụ cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam để bảo đảm rõ ràng.
Đồng thời, quy định nguyên tắc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với trường hợp một người vừa giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng vừa giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Nhà nước; bổ sung quy định cơ sở để áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam trên “nguyên tắc có đi có lại hoặc đối đẳng, yêu cầu đối ngoại.”
Một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ Quân đội nhân dân tương ứng với việc bổ sung nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ Công an nhân dân. Theo đó, lực lượng cảnh vệ Quân đội nhân dân có nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sỹ lực lượng Quân đội nhân dân và lực lượng khác tham gia phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ; thực hiện huấn luyện, nâng cao huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ. Thực hiện quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ.
Bổ sung quy định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về chế độ huấn luyện, nâng cao huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến, ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ quân đội. Tại dự thảo luật đã bổ sung Điều 20a quy định cụ thể việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của sỹ quan cảnh vệ.
Cơ bản tán thành với quy định này tại dự thảo luật, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (An Giang) cho rằng, Giấy Bảo vệ đặc biệt đã được quy định tại Luật Cảnh vệ và giao Bộ Công an quy định về mẫu, quản lý, sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt cho lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Công an và lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng (điểm b, khoản 3, Điều 20 và khoản 4 Điều 25).
Do vậy, việc dự thảo luật bổ sung một điều quy định về nội dung này trên cơ sở đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua là cần thiết nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm tính minh bạch, khả thi của quy định.
Cho rằng bổ sung quy định về việc sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của sỹ quan cảnh vệ là phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định thời hạn của Giấy Bảo vệ đặc biệt là 5 năm, kể từ ngày ký. Bởi thời hạn của Giấy Bảo vệ đặc biệt đã được quy định và thực hiện ổn định theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BCA quy định về mẫu, quản lý và sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt của lực lượng cảnh vệ.
Khoản 10, điều 1 của dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định khoản 1, Điều 16 của Luật Cảnh vệ hiện hành theo hướng lực lượng cảnh vệ được tổ chức ở Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Theo đó, có Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trực thuộc Bộ Công an và Cục Bảo vệ an ninh Quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật, kịp thời có các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Đồng thời, đánh giá cao Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng có báo cáo thẩm tra đề cập 14 nội dung cụ thể của dự án luật, kịp thời xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội để phục vụ cho thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp nghiên cứu để làm rõ các nội dung gồm: Phạm vi sửa đổi của dự thảo luật; đối tượng cảnh vệ; quy định việc áp dụng các biện pháp cảnh vệ chặt chẽ, không để bị lạm dụng khi áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc quy định của Luật Cảnh vệ; bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan.../.