Quốc hội Đức tưởng niệm các nạn nhân nạn diệt chủng Do Thái Holocaust

Buổi lễ diễn ra sau Ngày Tưởng niệm nạn nhân Holocaust quốc tế 27/1, được đánh dấu bằng nhiều sự kiện trên khắp nước Đức cuối tuần qua.

Các nạn nhân nạn diệt chủng Do Thái Holocaust. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, sáng 31/1, các nghị sĩ Đức đã tập trung tại Hội trường Quốc hội (Bundestag) để tưởng niệm các nạn nhân nạn diệt chủng Do Thái - Holocaust dưới thời Đức quốc xã.

Buổi lễ diễn ra sau Ngày Tưởng niệm nạn nhân Holocaust quốc tế 27/1, được đánh dấu bằng nhiều sự kiện trên khắp nước Đức cuối tuần qua.

Trong bài phát biểu khai mạc lễ tưởng niệm, Chủ tịch Quốc hội Bärbel Bas nói những người sống sót ở trại Auschwitz và các trại tử thần khác thường trực những câu hỏi sẽ sống tiếp ra sao và đối mặt với ký ức như thế nào.

Nhiều người đã chọn cách im lặng như là cách duy nhất để đương đầu với những nỗi đau quá khứ. Nhiều người nén lại những ký ức này để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Những người khác lựa chọn không kể lại cho con cái để bảo vệ chúng khỏi những suy nghĩ u uất về hành động tàn bạo.

Ngoài nỗi đau về những gì đã trải qua, có những người còn cảm thấy day dứt khi mình sống sót còn những người khác thì không.

Trong câu chuyện cảm động chia sẻ trước Quốc hội Đức, bà Eva Szepesi, 91 tuổi, một nạn nhân sống sót sau thảm họa Holocaust, đã nói về cách mà bà dần học được để nói ra những trải nghiệm quá khứ.

Bà đã có nhiều cuộc nói chuyện tại các trường học về những gì đã xảy ra với bà khi đến trại tập trung Auschwitz-Birkenau lúc mới 12 tuổi mà không hề biết đây là nơi mà mẹ và anh trai của bà đã thiệt mạng 4 tháng trước đó.

Bà Szepesi đã ở trại Auschwitz cho tới khi được Hồng quân Liên Xô giải phóng và cuối cùng đến sống ở Đức. Với bà, việc lên tiếng thay cho tất cả những người đã ra đi chính là ý nghĩa trong cuộc đời.

Trong khi đó, nhà báo thể thao Marcel Reif, người có cha sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust, cũng kể cho các nhà lập pháp Đức về việc cha ông hoàn toàn giữ im lặng về những điều đã trải qua dưới thời Đức Quốc xã.

Chỉ sau khi cha mất, mẹ ông mới nói về lý do giữ im lặng của cha là không để các con bị ám ảnh bởi những quá khứ đen tối vốn đã hủy hoại tuổi thơ và tuổi trẻ của chính ông. Nhà báo Reif nói: "Tôi ngày càng thấm thía câu nói của cha, đôi khi như một lời cảnh cáo, lời khuyên hoặc thậm chí là một lời khiển trách, bằng thổ ngữ Do Thái Yiddish, là 'Sej a Mensch!' - Hãy là một con người!"

Quốc hội Đức sau đó đã nghe hoà tấu dương cầm và vĩ cầm một tác phẩm của nhà soạn nhạc người Đức Günter Raphael – hoạt động nghe nhạc vốn là truyền thống của Quốc hội Đức nhưng đã bị chế độ Hitler dập tắt.

Dưới thời Đức Quốc xã, nhà soạn nhạc Günter Raphael bị cho là mang nửa dòng máu Do Thái nên bị sa thải tại viện âm nhạc nhà thờ ở thành phố Leipzig. Raphael bị cấm làm việc từ năm 1939 và các sáng tác của ông sau đó không còn được xuất bản và bị tẩy chay./.