Quốc hội Chile thông qua dự luật giảm giờ làm xuống 40 giờ trong tuần
Dự luật mới được Quốc hội Chile thông qua có điều khoản ngăn người sử dụng lao động giảm lương vì giảm giờ làm việc, đồng thời cho phép người lao động chuyển sang chế độ làm việc 4 ngày/tuần.
Quốc hội Chile ngày 11/3 đã thông qua dự luật giảm dần thời gian làm việc trong tuần từ 45 giờ xuống 40 giờ trong vòng 5 năm.
Dự luật đã nhận được 127 phiếu thuận và 14 phiếu chống. Đáng chú ý, dự luật có điều khoản ngăn người sử dụng lao động giảm lương vì thay đổi này, đồng thời cho phép người lao động chuyển sang chế độ làm việc 4 ngày/tuần.
Tuy nhiên, nội dung này không áp dụng đối với hơn 27% lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Tổng thống Chile Gabriel Boric dự kiến sẽ ký ban hành luật.
Đây được xem là một chiến thắng của Tổng thống Boric trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông giảm sút thời gian qua.
Khi lên nắm quyền vào năm ngoái, ông Boric đã cam kết thực hiện một chương trình cải cách kinh tế và xã hội đầy tham vọng.
Tuy nhiên, ông đã phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi không thể thông qua hiến pháp mới cũng như dự luật cải cách thuế.
Đánh giá về dự luật trên, Bộ trưởng Lao động Chile Jeannette Jara khẳng định đây là một dự án sẽ đóng góp to lớn vào chất lượng cuộc sống của người dân nước này.
Một số công ty ở Chile đã thông báo ủng hộ dự luật này, trong đó có công ty khai thác đồng Codelco thuộc sở hữu của nhà nước.
[Nghiên cứu thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày cho kết quả bất ngờ]
Đầu năm nay, doanh nghiệp này tuyên bố sẽ chuyển sang chế độ làm việc 40 giờ/tuần vào năm 2026.
Tuy nhiên, một số công ty nhỏ hơn phản đối dự luật, cho rằng họ không có đủ nguồn lực để thuê thêm nhân công và bù đắp số giờ làm bị giảm.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Mỹ Latinh là khu vực có số giờ làm việc chính thức trong tuần dài nhất thế giới, trong đó các nước Argentina, Mexico, Peru và Panama có thời gian làm việc 48 giờ/tuần và Brazil 44 giờ/tuần.
Dự luật trên sẽ mở đường cho Chile gia nhập nhóm nước có tuần làm việc ngắn nhất ở Mỹ Latinh cùng với Ecuador và Venezuela.
Một số nước khác trên thế giới như Anh và Tây Ban Nha cũng đang thử nghiệm giảm thêm số giờ làm việc hằng tuần.
Trước đó, theo kết quả thử nghiệm được công bố vào ngày 21/2, tuần làm việc 4 ngày hiệu quả hơn so với mô hình truyền thống tuần làm việc 5 ngày đối với hầu hết nhân viên và các công ty tham gia thử nghiệm.
Tham gia thử nghiệm, gần 3.000 nhân viên tại 60 công ty ở Anh được phép làm việc 4 ngày/tuần, ít hơn 1 ngày so với quy định hiện hành nhưng vẫn hưởng mức lương của 5 ngày làm việc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hơn 90% số công ty sẽ tiếp tục mô hình tuần làm việc rút ngắn này hoặc có kế hoạch làm như vậy, chỉ 4% nói rằng sẽ không kéo dài mô hình này./.