Quảng Trị đề xuất thực hiện cơ chế đặc thù đối với hai dự án trọng điểm
Dự án Cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo và Khu kinh tế xuyên biên giới Lao Bảo nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu trên Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Quảng Trị (TTXVN 15/10)Tỉnh Quảng Trị đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho thực hiện cơ chế chính sách đặc thù đối với hai dự án gồm Cao tốc đường bộ Cam Lộ-Lao Bảo và Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam)-Densavan (Savannakhet, Lào).
Đây là hai dự án trọng điểm mà tỉnh Quảng Trị đang triển khai và kỳ vọng tạo lan tỏa kết nối vùng.
Việc thực hiện hai dự án này cũng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị là “nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC)."
Dự án cao tốc đường bộ Cam Lộ-Lao Bảo, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án có chiều dài 56km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Đây là tuyến cao tốc đường bộ theo trục Đông-Tây, kết nối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ với các nước Lào, Thái Lan, được ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thành trước năm 2030.
Tháng 9/2024, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, ưu tiên bổ sung dự án này vào danh mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của ngành giao thông vận tải, nhằm đảm bảo tiến độ theo quy hoạch.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định, huy động vốn nhà nước và nhà đầu tư tỷ lệ là 50/50 nên rất khó kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư dự án do thời gian thu hồi vốn rất lâu.
Do đó tỉnh đề xuất cơ chế đặc thù với phần vốn nhà nước chiếm 70%, phần vốn nhà đầu tư chiếm 30% nhằm kêu gọi đầu tư từ tư nhân.
Tỉnh cũng đang làm Đề án xây dựng Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam)-Densavan (Savannakhet, Lào).
Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung này nằm ở cửa ngõ của EWEC, giao thương kết nối với Bắc-Nam và kết nối với các nước Tiểu vùng sông Mekong.
Đề án dự kiến xây dựng mô hình “hai nước một khu kinh tế;” có chung cơ chế, chính sách và quản lý vận hành; có chính sách ưu đãi đặc biệt với nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Đề án kế thừa Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Densavan, hiện có hạ tầng tương đối đồng bộ.
Tỉnh kỳ vọng, đề án sẽ xây dựng vùng biên giới Lao Bảo-Densavan trở thành điểm nhấn ở đầu cầu của EWEC về phía Việt Nam, là mô hình kiểu mẫu về thương mại xuyên biên giới quốc gia.
Tỉnh đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế đặc thù về thuế, lao động, thủ tục đầu tư, chính sách tín dụng, tài chính ngân hàng, hàng hóa xuất nhập khẩu… cho Khu Kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo- Densavan./.