Quảng Trị đẩy mạnh việc đầu tư trồng, chế biến cây dược liệu
Giai đoạn từ năm 2022-2026, tỉnh đầu tư hơn 52 tỷ đồng để thực hiện Đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với Chương trình OCOP; qua đó nâng diện tích cây dược liệu lên 4.500ha vào năm 2026.
Tỉnh Quảng Trị đang đầu tư cho việc mở rộng diện tích cây dược liệu gắn với chế biến để tăng giá trị và phục vụ xuất khẩu.
Huyện Cam Lộ có thế mạnh về trồng, chế biến cây dược liệu. Đến tháng 4/2023, địa phương này đã trồng được gần 280ha cây dược liệu các loại có giá trị kinh tế cao.
Điển hình là cây dược liệu an xoa được huyện Cam Lộ đưa vào trồng thử nghiệm năm 2020. Đến nay, mô hình trồng cây dược liệu này đã và đang được nhân rộng do mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, huyện Cam Lộ đã trồng được được gần 17ha cây an xoa, năng suất bình quân đạt từ 15-17 tấn/ha/năm, doanh thu đạt từ 180-200 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, người dân ở huyện Cam Lộ đã liên kết với doanh nghiệp để trồng, tiêu thụ, chế biến sản phẩm từ cây an xoa; trong đó có sản phẩm cao an xoa.
[Thu hút đầu tư vùng ven biển - đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Quảng Trị]
Từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp ở huyện Cam Lộ đã xuất khẩu 3 lô sản phẩm cao dược liệu an xoa sang thị trường Hoa Kỳ và Canada với tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh, địa phương phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị với quy mô 500ha, trong đó tập trung phát triển một số cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao như: Chè vằng 100ha, an xoa 200ha, cà gai leo 50ha, tràm năm gân 100ha và một số cây khác.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện Cam Lộ thực hiện Dự án: “Phát triển mở rộng các loại cây dược liệu có hiệu quả phục vụ chế biến xuất khẩu năm 2023” với kinh phí hơn 27,5 tỷ đồng; đồng thực hiện tốt liên kết phát triển dược liệu gồm: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông.
Dược liệu được tỉnh Quảng Trị xác định là một trong những cây trồng chủ lực. Giai đoạn từ năm 2022-2026, tỉnh đầu tư hơn 52 tỷ đồng để thực hiện Đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); qua đó nâng diện tích cây dược liệu từ khoảng 1.500ha hiện nay lên 4.500ha vào năm 2026.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị, cây dược liệu tập trung ở 5 huyện gồm: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh.
Tỉnh xác định có 14 loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển gồm: tràm các loại, nghệ, chè vằng, an xoa, thất diệp nhất chi hoa, giảo cổ lam, sâm cau, sả, dây thìa canh, sâm bố chính, cà gai leo, khôi tía, đảng sâm, quế.
Để nâng cao giá trị cho cây dược liệu, tỉnh Quảng Trị vừa đầu tư nghiên cứu chế biến sâu vừa gắn kết chặt chẽ với chương trình OCOP.
Trong tổng số trên 110 sản phẩm OCOP ở Quảng Trị giai đoạn từ năm 2019-2022, có gần một nửa sản phẩm là từ cây dược liệu hoặc có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu như: cà gai leo, chè vằng, an xoa.
Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị cũng đã chiết xuất thành công hoạt tính và sản xuất thương mại nhiều loại sản phẩm từ cây dược liệu như: chè vằng hòa tan “Tralavang,” cà gai leo - linh chi hòa tan Cagali, đông trùng hạ thảo Sa Mù.
Những sản phẩm OCOP và chế biến sâu từ cây dược liệu ở Quảng Trị, không chỉ có thị trường tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong nước mà còn xuất khẩu nhiều nước khác./.