Quảng Trị: Chính quyền lúng túng vì dân "chê" khu tái định cư, về lại làng cũ
Hệ thống giao thông được bêtông hóa; điện lưới được kéo đến khu tái định cư; nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đều được đầu tư đồng bộ, thế nhưng, khu tái định cư hoang vắng bóng người.
Khu tái định cư Raly-Rào ở xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 8/2021.
Tuy nhiên, chỉ có 2/45 hộ dân đến ở, số còn lại về làng cũ, dẫn đến tình trạng nhà và trường học bỏ hoang, nhiều hạng mục hoang phế, gây lãng phí nghiêm trọng.
Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hướng Sơn, cho biết trận lũ lịch sử năm 2020 khiến một số ngôi nhà tại thôn Nguồn Rào bị cuốn trôi; nhiều hộ mất đất sản xuất; núi Tà Bang xuất hiện vết nứt lớn.
Trước tình thế nguy hiểm trên, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đầu năm 2021, Ủy ban Nhân dân xã Hướng Sơn được giao làm chủ đầu tư Dự án Khu tái định cư Raly-Rào, phục vụ di dời 45 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều với 171 nhân khẩu ở vùng sạt lở, lở núi trên địa bàn xã đến định cư.
Dự án được thực hiện bằng nhiều nguồn vốn với tổng mức đầu tư trên 6,7 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2021, khu tái định cư này đón một số hộ dân vào ở nhưng chỉ được một thời gian ngắn, họ đã quay trở lại sinh sống nơi chốn cũ.
Đến thời điểm đầu tháng 6/2024, khi chúng tôi có mặt, Khu tái định cư Raly-Rào thực tế chỉ có 2 hộ dân sinh sống. Khu tái định cư nằm ngay bên tuyến đường vào trung tâm xã Hướng Sơn, được xây dựng khá kiên cố, có 45 ngôi nhà xây lợp tôn, mỗi căn rộng 40m2, không gian sân vườn rộng từ 300-400m.
Hệ thống giao thông được bêtông hóa; điện lưới được kéo đến khu tái định cư; nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đều được đầu tư đồng bộ. Thế nhưng, khu tái định cư hoang vắng bóng người, hầu hết các căn nhà ở đây được khóa kín cửa, kính vỡ nát, bên trong nhà trống trải.
Ngay cửa vào Khu tái định cư, điểm Trường RaLy-Rào (thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn) đóng cửa, các dãy phòng học mới xây dựng chưa được sử dụng vào việc dạy học lần nào đã bắt đầu xuống cấp, cỏ mọc um tùm.
Chị Xa La Mê, một trong 2 hộ dân ở lại Khu tái định cư Raly-Rào cho biết, gia đình chị buộc phải ở lại khu tái định cư này là vì nhà cửa, vườn tược đã bị lũ cuốn trôi, không còn chỗ quay về.
“Ở đây có điện, có nước nhưng không có người ở, buồn lắm. Điểm trường ở đây cũng không có người học nên gia đình tôi phải đưa con trở về bản cũ để học, xa lắm mà không biết làm sao,” chị Mê buồn rầu nói.
Giống như nhà chị Mê, gia đình ông Hồ Văn Xể (56 tuổi) và vợ là bà Hồ Thị Đưm (54 tuổi) bị lũ dữ cuốn mất nhà, mất vườn nên phải ở lại khu tái định cư này.
Trái ngược với Khu tái định cư Raly-Rào đìu hiu, hoang phế thì cách đó khoảng 4km, 43 hộ dân trở về lại thôn Nguồn Rào, nhịp sống, sinh hoạt trở lại bình thường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân khiến người dân không mặn mà về ở tại khu tái định cư là vì quá nhiều bất tiện cho sinh hoạt, sản xuất, diện tích nhà ở chật hẹp, bố trí sát nhau, không phù hợp với phong tục tập quán.
Đất đai thì cằn cỗi và gió thường xuyên thổi mạnh; muốn sản xuất người dân phải đi quãng đường xa 4-5 km...
Gia đình chị Hồ Thị Hoa 5 người sống ở ngôi nhà dưới chân núi Tà Bang có xuất hiện vết nứt, thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Nhưng sau khi nhận bàn giao nhà tái định cư, gia đình chị chỉ ngủ lại vài ngày rồi ôm chăn gối trở về sống trong ngôi nhà sàn cũ ở thôn Nguồn Rào.
“Được Nhà nước quan tâm xây nhà ở tránh bão, tránh lũ nhưng ở đó bất tiện lắm. Về đây ở có ruộng, có vườn, có cái ăn chứ ở lại trên khu tái định cư thì sẽ đói, sẽ buồn. Giờ mỗi lần có mưa to gió lớn, cả nhà sẽ chạy lên khu tái định cư trú ẩn. Hết mưa gió thì nhà mình trở về làng cũ sinh sống, làm ăn,” chị Hoa chia sẻ.
Theo ông Hồ Chia (trú thôn Nguồn Rào), khu tái định được đầu tư có đường, có điện nhưng điểm mấu chốt là người dân không có đất làm ăn. Đất rẫy của người dân ở cách khu tái định cư 4-5km, do đó các hộ dân nhất quyết chỉ ở lại thôn Nguồn Rào để thuận lợi làm ăn, sinh sống.
“Ở đây quen rồi, lại gần với nương rẫy, ruộng vườn, có cái ăn nên không muốn đi chỗ khác nữa,” ông Chia cho biết.
Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động người dân vào khu tái định cư, nhưng bà con nhất quyết ở lại chỗ cũ.
Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hướng Hóa cho biết, việc xây dựng khu tái định cư xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của người dân vùng sạt lở và lũ quét. Tuy nhiên, khi xây xong khu tái định cư, người dân lại không chịu vào ở khiến chính quyền địa phương rất lúng túng.
Khu vực tái định cư không có đất sản xuất, không có đất làm chuồng trại, khu vực sản xuất của các hộ dân xa khu tái định cư nên vào mùa nắng các hộ dân vẫn ở nơi ở cũ để thuận tiện trong việc sản xuất, chăn nuôi.
Hiện huyện chỉ đạo xã Hướng Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động để đồng bào về khu tái định cư, chính quyền cũng không thể ép được.
Lý giải về việc người dân “chê” khu tái định cư tiền tỷ, ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hướng Sơn chia sẻ, trước khi xây dựng khu tái định cư, chính quyền đã tổ chức họp nhiều lần, người dân đồng tình ủng hộ đến nơi ở mới để tránh bão lũ, sạt lở.
Đây là dự án di dời dân khẩn cấp nên chính quyền cũng chưa khảo sát, tính toán đầy đủ các yếu tố phát sinh, những khó khăn mà người dân khi về khu tái định cư sinh sống gặp phải.
“Chính quyền xã đã tổ chức nhiều cuộc họp, cử người đến vận động, tuyên truyền người dân về khu tái định cư ở để tránh sạt lở núi nguy hiểm đến tính mạng nhưng người dân nhất quyết chọn sinh sống ở làng cũ.
Giải pháp trước mắt để tránh hoang phí là vào mùa mưa bão, chính quyền phải tích cực vận động người dân lên khu tái định cư trú ẩn an toàn.
Tới đây, xã sẽ rà soát, tìm diện tích đất phù hợp gần khu tái định cư để cấp cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an cư lạc nghiệp,” ông Tường nói./.