Quảng Ninh: Lập lại trật tự giao thông đường thủy ven bờ Vịnh Hạ Long

Lực lượng chức năng thành phố Hạ Long tuần tra, xử lý các chủ phương tiện cố ý vi phạm các quy định về neo đậu, gây ảnh hưởng đến trật tự giao thông đường thủy, gây mất mỹ quan ở ven bờ vịnh Hạ Long.

Lực lượng chức năng thành phố Hạ Long tuần tra, xử lý các chủ phương tiện, thuyền viên cố ý vi phạm các quy định về neo đậu, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường thủy, gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Ghi nhận thực tế trong 2 tuần đầu ra quân xử lý các phương tiện thủy neo đậu không đúng nơi quy định ven bờ Vịnh Hạ Long của thành phố Hạ Long cho thấy các chủ phương tiện đều cơ bản ủng hộ chủ trương của thành phố.

Với quyết tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, vệ sinh môi trường ven bờ Vịnh Hạ Long, góp phần bảo vệ, phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long, cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long đã ban hành Kế hoạch số 315/KH-UBND về việc triển khai rà soát, sắp xếp di dời và xử lý các phương tiện thủy neo đậu không đúng nơi quy định ven bờ Vịnh Hạ Long.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, từ ngày 1/8, các lực lượng chức năng đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức ký cam kết đối với các chủ phương tiện thủy về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, vệ sinh môi trường, chủ trương của thành phố trong việc bố trí, sắp xếp các điểm neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định và tiến hành xử lý các phương tiện neo đậu, bám buộc vào thành cầu, lan can, bờ kè để bốc dỡ hàng hóa, hải sản từ phương tiện lên bờ cũng như các phương tiện giao thông đường bộ dừng đỗ không đúng nơi quy định để cung ứng, vận chuyển cho các phương tiện tàu thuyền.

Lực lượng chức năng thành phố Hạ Long tuần tra, xử lý các chủ phương tiện, thuyền viên cố ý vi phạm các quy định về neo đậu, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường thủy, gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long.

Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long cho biết trước mắt, thành phố sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng các phương tiện tàu, thuyền neo đậu không đúng nơi quy định tại khu vực phường Bạch Đằng (xung quanh khu vực vùng nước gần cầu Bài Thơ 1, chợ Hạ Long 1, Trung tâm thương mại Vincom), tiếp đến là các khu vực vùng nước thuộc địa giới hành chính các phường Hồng Gai, Hồng Hải, Hồng Hà, Yết Kiêu, Hà Tu, Hà Phong.

[Cấm neo đậu phương tiện thủy tại khu vực ven bờ Vịnh Hạ Long]

Sau ngày 30/8/2023, Ủy ban Nhân dân các phường có trách nhiệm tiếp tục duy trì lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường đối với các vùng nước ven bờ thuộc địa giới hành chính quản lý.

Một góc khu vực Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: TTXVN)

Theo rà soát sơ bộ, trên địa bàn thành phố Hạ Long hiện có rất nhiều loại phương tiện tàu thuyền đang hoạt động, bao gồm 650 tàu cá, 506 tàu du lịch, 64 đò, 50 phương tiện tàu hàng thường xuyên hoạt động dọc sông Diễn Vọng, chưa kể đến các tàu công tác, tàu biển trong nước và quốc tế thường xuyên cập vào các cảng, bến.

Đáp ứng nhu cầu neo đậu cho các tàu thuyền trên Vịnh, thành phố đã cơ bản bố trí đầy đủ cơ sở hạ tầng với 12 khu neo đậu, trên 50 điểm neo đậu kết hợp tránh trú bão cho tàu thuyền trong vùng nước cảng biển, 2 cảng bến tàu du lịch với sức chứa khoảng 2.000 tàu du lịch.

Các vùng nước tại khu vực bến tàu hàng dọc sông Diễn Vọng với sức chứa khoảng 40 phương tiện. Do đó, tình hình neo đậu của các tàu du lịch, tàu hàng trên Vịnh Hạ Long cơ bản đã đi vào trật tự, ổn định, ít xảy ra những vi phạm về trật tự giao thông đường thủy.

Tuy nhiên các tàu đánh bắt thủy, hải sản, các phương tiện cung ứng, hậu cần tại một số nơi ven bờ Vịnh Hạ Long, đặc biệt là khu vực vùng đệm tiếp giáp luồng đường thủy nội địa Bài Thơ-Đầu Mối (thuộc địa giới hành chính các phường Hà Phong, Hà Tu, Hồng Hà, Hồng Hải, Bạch Đằng, Hồng Gai, Yết Kiêu) vẫn tồn tại tình trạng vi phạm về neo đậu.

Nguyên nhân là do các vị trí này là khu vực trung tâm, thuận tiện cho việc bốc dỡ, vận chuyển thủy, hải sản cho các tiểu thương vào các chợ Hạ Long I để tiêu thụ và đây cũng là thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân đã được hình thành từ rất lâu.

Các phương tiện chất đầy phao xốp và rác thải từ hoạt động tháo dỡ các bè nuôi trồng thủy sản trái phép từ nhiều nơi trôi dạt về vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Thống kê sơ bộ có khoảng 400 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản cùng các phương tiện cung ứng, hậu cần neo đậu không đúng nơi quy định ven bờ Vịnh, gây mất an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan khu vực trung tâm thành phố. Đáng chú ý là trên các tàu có nhiều gia đình ngư dân sinh sống, mọi sinh hoạt đều diễn ra ngay trên tàu.

Mặc dù Ban Quản lý các Dịch vụ Công ích thành phố vẫn duy trì thu gom rác tuy nhiên do các phương tiện tập trung tại đây đều là các tàu, thuyền vỏ gỗ cỡ nhỏ, chưa có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thu gom chất thải sinh hoạt dẫn đến tình trạng thường xuyên có mùi hôi thối kèm rác thải, chất thải rắn trôi nổi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, gây ấn tượng xấu tới khách du lịch khi tham quan qua những khu vực này.

Mặt khác, nhiều tàu đánh bắt thủy, hải sản ở các địa phương khác lợi dụng việc neo đậu, tránh trú bão để biến vùng Vịnh Hạ Long thành ngư trường đánh bắt thủy, hải sản trái phép gây ô nhiễm môi trường, phá hủy hệ sinh thái biển./.

(Vietnam+)